"Sau thời gian dịch bệnh gây thiệt hại lớn thì đến nay, mọi hoạt động gần như đã bình thường trở lại nhưng doanh thu của chúng tôi vẫn còn rất thấp. Khách đi xe ngày càng ít, vận tải hàng hóa cũng giảm đáng kể, trong khi xăng dầu vẫn liên tục tăng cao. Hiện nay, mỗi tháng công ty tôi lỗ gần 2 tỉ đồng nhưng không dám tăng giá vé và giá cước vì sợ mất khách. Nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ, giảm các khoản thuế, phí thì tôi lo sẽ không cầm cự nổi" - ông Thủy bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HTX Xe Du lịch và Vận tải số 4 (TP HCM), hoạt động vận tải đang trong giai đoạn thấp điểm, nếu tăng giá cước theo giá xăng dầu sẽ mất khách, các đối tác cũng không chịu đàm phán lại giá vì hợp đồng đã ký từ trước. "Chúng tôi chỉ có thể điều chỉnh giá tăng khoảng 10% những ngày cuối tuần coi như phụ thu để bù vào chi phí xăng dầu, còn ngày thường vẫn chưa thể tăng giá" - ông Lèo nói.
Ông Lê Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vận tải Tấn An Gia, cũng cho biết ông đã cố gắng đàm phán với một số đối tác là các công ty lữ hành để tăng giá vận tải theo giá xăng dầu nhưng đều không thành công. "Họ nói du lịch mới chớm phục hồi, giờ tăng giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng lớn tới giá tour, không ai chịu đi du lịch nữa. Đối với khách lẻ chỉ dám tăng giá khoảng 5% so với trước nhưng cũng không thấm vào đâu so với những lần điều chỉnh giá xăng dầu" - ông Hậu rầu rĩ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, vài tháng trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vận tải không cầm cự nổi buộc phải bán dần xe để trả nợ, thậm chí đóng cửa, phá sản. Ông Trần Hoàng Công, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải H.T, cho biết trước đây, công ty ông có hơn chục chiếc xe đầu kéo và gần 20 xe tải có tải trọng lớn nhưng do cạnh tranh khốc liệt, chi phí xăng dầu tăng cao, trong khi khách hàng ngày càng giảm nên ông phải bán bớt xe, thu hẹp hoạt động kinh doanh. "Hiện công ty tôi chỉ còn 12 chiếc xe, trong đó chỉ còn 2 xe đầu kéo container" - ông Công cho hay.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Xe khách TP HCM, với giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay đã vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải. Để hỗ trợ ngành vận tải, các bộ ngành cần mạnh dạn cắt giảm một số phí, thuế đối với xăng dầu mới mong hạ nhiệt mặt hằng này. Đặc biệt, các doanh nghiệp đề nghị không nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu vì đó là mặt hàng thiết yếu chứ không phải hàng xa xỉ.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải đường bộ gặp khó mà việc giá xăng dầu liên tiếp phá kỷ lục còn khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không sốt ruột. Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietravel Airlines, cho biết hiện hãng đã khôi phục 100% các đường bay nội địa so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở TP HCM. Lượng khách hiện tại vượt so với tháng 4-2021 khoảng 20%. Với tốc độ như hiện nay, Vietravel Airlines có kế hoạch trong mùa hè này và cuối năm tăng thêm đường bay, tăng đội máy bay để bắt đầu khai thác đường bay quốc tế.
Kỳ vọng và kế hoạch như vậy nhưng giá xăng dầu tăng cao đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, cụ thể giá nhiên liệu bay Jet-A1 hiện đã lên tới 140 USD/thùng. "Đây là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh này, giá vé máy bay muốn giảm rất khó nhưng kỳ vọng sau khi những vấn đề quốc tế được giải quyết, giá nhiên liệu sẽ hạ nhiệt và duy trì ở mức 80-100 USD/thùng, dù vẫn cao nhưng sẽ "dễ thở" hơn. Trước mắt, hãng đang phải cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí để bảo đảm giá vé hợp lý nhất" - ông Vũ Đức Biên nói.