Như Báo Người Lao Động phản ánh, hiện ngành chăn nuôi trong nước còn nhiều hạn chế, sản phẩm chưa đáp ứng thị trường xuất khẩu nên chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, song cũng không đáp ứng nhu cầu. Để giải bài toán khó cho ngành nông nghiệp Việt, các chuyên gia góp ý cần có sự định hướng cũng như chính sách hỗ trợ rõ ràng.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, nhận xét ngành chăn nuôi trong nước còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không phù hợp đưa khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ cao vào ứng dụng. Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế do vùng chăn nuôi không bảo đảm an toàn dịch bệnh và các nhà máy giết mổ chưa đạt tiêu chuẩn thế giới. Chỉ khi giải quyết được những hạn chế này, sản phẩm chăn nuôi mới có thể xuất khẩu.
Cũng theo GS-TS Bùi Chí Bửu, ngành chăn nuôi Việt Nam lâu nay chưa được định hướng rõ ràng là sản xuất để phục vụ tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu. Với mỗi định hướng khác nhau, cần có chính sách phù hợp và kịp thời. Do không có chính sách rõ ràng nên ngành này mãi loay hoay và khó bứt phá. Dẫn chứng Thái Lan xác định rõ mục tiêu chăn nuôi để xuất khẩu nên tập trung vào giải quyết vấn đề an toàn về dịch bệnh, GS-TS Bùi Chí Bửu góp ý cơ quan quản lý ngành cần đưa ra định hướng cụ thể, từ đó mạnh dạn đầu tư lớn cho ngành này theo hướng công nghiệp, hiện đại, bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất khẩu.
GS-TS Bùi Chí Bửu còn góp ý cần có chính sách về vùng nguyên liệu trồng bắp, đậu nành trong nước, tránh lệ thuộc nhập khẩu quá lớn như hiện nay. Song song đó, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết đã có thời điểm chăn nuôi heo gà của Việt Nam rơi vào tình trạng cung vượt cầu và đặt ra vấn đề xuất khẩu. Song, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, chưa kể giá thành chăn nuôi trong nước còn khá cao so với nhiều quốc gia khác. "Muốn xuất khẩu đòi hỏi quy mô chăn nuôi đủ lớn, giá thành chăn nuôi phải được kéo giảm xuống, nhà máy giết mổ và hệ thống bảo quản đạt chuẩn quốc tế" - ông Ngọc chỉ rõ và cho rằng việc đầu tư cho ngành chăn nuôi cần được thực hiện bài bản dưới sự định hướng của cơ quan quản lý ngành.
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi phải trải qua nhiều khâu thẩm định, chứng nhận, ký kết với điều kiện, tiêu chuẩn rất cao. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần hướng tới sản xuất bảo đảm chất lượng với giá thành tốt nhất mới có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-6