Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho rằng nếu doanh nghiệp trong 21 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM đầu tư điện mặt trời thì kéo giảm chi phí sản xuất không nhỏ; các đơn vị sự nghiệp TP.HCM đã được khoán tiền điện nên nếu đầu tư điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm ngân sách lớn…
EVNHCMC vừa có kiến nghị tới UBND TP.HCM có giải pháp đẩy mạnh việc sử dụng điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM. Theo EVNHCMC, cho đến nay, tình hình lắp đặt, sử dụng điện mặt trời tại TP.HCM chưa thực sự xứng tầm so với các địa phương có tiềm năng tương tự trong cả nước.
Trong phạm vi cả nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã đưa vào vận hành 82 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MWp (chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện hiện có của cả nước). Riêng trên địa bàn TP.HCM, tính đến nay, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời chỉ mới là 45,1 MWp, đạt 1,09% tổng công suất sử dụng cực đại của Thành phố năm 2018.
Theo EVNHCMC, UBND TP.HCM đã có quy định khoán chi phí tiền điện cho các đơn vị hành chính công và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố (bao gồm các trụ sở, văn phòng, trường học, bệnh viện, …), nên việc lắp đặt điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả, do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới…
Từ đó, EVNHCMC kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo cho các Sở ngành quận huyện và các đơn vị đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ưu tiên việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong 21 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, nhà điều hành của đơn vị; Các ngân hàng trên địa bàn phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế (World Bank, ADB, JICA, KfW,…) để đề xuất các khoản tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời cho các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn.