Trong khi khó khăn đang tiếp diễn, một số doanh nghiệp (DN) cho rằng nếu không nỗ lực hết sức để gắng gượng vượt qua giai đoạn này thì khả năng đứt gãy sẽ nặng nề hơn trong thời gian tới.
Thiếu nhân công lẫn bao bì phụ liệu
Vừa đi thăm nông trại ở Bình Dương về, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, không giấu sự lo lắng vì có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong khi nguồn lực đang rất hạn chế. "Mấy tháng giãn cách xã hội, vườn tược không có người chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm. Sản xuất tại các nhà máy cũng chưa thể phục hồi vì công nhân vẫn lo lắng, rủ nhau xin nghỉ phép hoặc nghỉ việc để về thăm nhà. Hàng loạt đơn hàng cần giao gấp, nguyên liệu có sẵn trong kho nhưng không thể tăng năng suất lên được" - ông Viên nêu thực trạng công ty và cho biết đây cũng là tình hình chung của không ít DN hiện nay.
Không có lựa chọn khác, Vinamit đang phải "khất" nhiều đơn hàng xuất khẩu, làm tới đâu giao tới đó và cố gắng "chia cho các khách hàng mỗi người một ít". Tại thị trường trong nước, các hệ thống bán lẻ liên hệ đặt hàng trở lại nhưng Vinamit cũng không có để giao. "Hy vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát thì đến tháng 11 có thể ổn định lại nguồn hàng tươi sống và sau Tết nguyên đán mới mong phục hồi được 80%-90% năng suất gieo trồng lẫn sản xuất bởi hiện nay, cả chuỗi cung ứng cả đầu vào lẫn đầu ra của công ty đang gặp vấn đề" - ông Viên bày tỏ.
Công ty Vinamit dự kiến đến tháng 11 mới khôi phục hoàn toàn nguồn cung rau củ quả tươi. Ảnh: THU HƯƠNG
Một số DN cho biết trước mắt có thể sắp xếp bằng cách nỗ lực giữ chân những người lao động còn bám trụ TP HCM, cho nghỉ phép luân phiên, vận động họ vào nhà ở tập thể trong nhà máy thay vì ở trọ bên ngoài… Nhưng khó nhất là sự thiếu hụt bao bì, nguyên phụ liệu. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết phải mua vỉ nhựa đựng trứng với giá cao gấp rưỡi trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế.
"Các nhà máy sản xuất bao bì cũng gặp khó khăn vì thiếu lao động, không mua được nguyên liệu sản xuất, thủ tục hải quan và vận chuyển ách tắc thời gian qua nên sản lượng sụt giảm trầm trọng. Chúng tôi luôn gối đầu dự trữ bao bì đủ dùng cho 1 tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng, mình cũng khó xoay xở" - ông Thiện nêu.
Cũng do thiếu phụ liệu, bao bì mà một số DN rơi vào tình cảnh chắp vá, phải liên tục thay đổi kế hoạch sản xuất. "Nhà cung cấp thùng các-tông, nhôm, giấy, nhựa… đều bị "gãy" nên dù có nguyên liệu, có dây chuyền công nghệ hiện đại và vận động được công nhân trở lại làm việc, năng suất sản xuất vẫn không đạt" - đại diện một DN sản xuất thực phẩm chế biến lớn cho hay.
Vì khó khăn như vậy nên trước mắt, các DN ưu tiên trả nợ những đơn hàng cũ và theo dõi diễn biến dịch. "Mọi năm, tháng 10 là DN đã bắt đầu gom nguyên liệu, khởi động đơn hàng Tết nhưng tình hình năm nay quá đặc biệt nên hiện DN chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả 3 tháng dịch, chưa thể tính gì cho Tết" - đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM thông tin.
Đừng để thủ tục gây thêm phiền phức
Nhiều DN dự đoán phải mất ít nhất 3-4 tháng để vượt qua những khó khăn hiện tại, với điều kiện giao thông giữa TP HCM và các tỉnh, thành khác trở lại bình thường và mang tính chất thúc đẩy. Bên cạnh đó, cũng cần phải có liệu pháp tinh thần cho DN, người lao động yên tâm hơn.
Theo các DN, hiện TP HCM đã cho người dân có "thẻ xanh" đi lại giữa 4 tỉnh lân cận nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong cách thức tổ chức thực hiện giữa các địa phương. "Tôi đi từ TP HCM đến nhà máy ở Bình Dương đã bị lực lượng chức năng tại Bình Dương chặn lại vì không có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Trong khi nhà máy đặt ở Bình Dương, thời điểm này rất cần ban lãnh đạo có mặt để chỉ đạo, đôn đốc, lên tinh thần cho anh em và ổn định sản xuất" - tổng giám đốc một DN thực phẩm bức xúc. Theo vị này, DN nào tại TP HCM cũng có nhà máy hoặc văn phòng, đại lý, chi nhánh, nhà cung cấp, nhà mua hàng tại các tỉnh nên nếu việc đi lại còn khó khăn sẽ gây chậm trễ, thậm chí là tổn thất cho DN.
Cũng bức xúc vì việc đi lại giữa thành phố và các tỉnh lân cận còn khó khăn, mới đây, 4 hội ngành hàng lớn của thành phố là Hội Lương thực Thực phẩm, Hội Dệt may thêu đan, Hội Cơ khí - Điện và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố sửa Văn bản 3252/UBND-ĐT theo hướng giảm chi phí không cần thiết nhằm hỗ trợ thiết thực cho DN.
Cụ thể là cho phép công nhân, chuyên gia khi di chuyển bằng phương cá nhân hoặc bằng xe đưa đón để đến cơ sở sản xuất kinh doanh tại TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An nếu đã tiêm ngừa Covid-19 đủ 2 mũi hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng không áp dụng việc yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (7 ngày/lần) hoặc đã tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 được 14 ngày cũng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính. "Việc yêu cầu xét nghiệm Covid-19 định kỳ như vậy là một sự lãng phí rất lớn cho DN, nhất là trong bối cảnh hầu hết DN gặp áp lực rất lớn về tài chính và đang huy động toàn bộ nguồn lực để tái sản xuất" - các hội ngành hàng phản ánh.