Các chuyên gia cho biết bệnh tiểu đường gây tử vong ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và trong trường hợp mang thai, nguy cơ biến chứng phát sinh do rối loạn chuyển hóa tăng lên rất nhiều.
Theo Tiến sĩ Nitin Gupte, Bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Apollo Spectra Pune, lượng đường trong máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoặc sinh non, tiền sản giật và sinh khó.
Bệnh tiểu đường có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của phụ nữ, gây nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh thận, mù lòa, trầm cảm, nhiễm trùng đường tiết niệu và vấn đề vô sinh. Không kiểm soát lượng đường khi mang thai có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, các biến chứng của tiểu đường cũng gây hại cho thai nhi, bao gồm bệnh macrosomia (tình trạng thai nhi lớn bất thường), khó thở, vàng da, hạ đường huyết (giảm lượng đường trong máu).
“Bệnh tiểu đường trong thai kỳ là một trong những biến chứng chính của thai kỳ. Tình trạng này có thể dẫn đến dị tật thai nhi, hầu hết thoái hóa xương cụt đồng nghĩa với sự phát triển không phù hợp của cột sống dưới và mông. Những dị tật này phát triển ngay cả trước khi phát hiện có thai. Do đó, phụ nữ cần phải kiểm tra mức đường huyết trước khi có kế hoạch mang thai”, Tiến sĩ Snehal Desai, Bác sĩ về bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Lokmanya, Pune chia sẻ.
Tiến sĩ Gupte khuyến nghị, để ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ, nhiều xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để đánh giá xem bạn có bất kỳ vấn đề nào về tim, thận hoặc gan hay không. Bạn sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu theo thời gian và tránh bỏ qua thuốc. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì trọng lượng tối ưu có thể giúp kiểm soát lượng đường ở phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường.
“Nếu bạn bị tiểu đường, hãy ăn trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và đậu lăng. Hãy tập thể dục dưới sự hướng dẫn của chuyên gia và duy trì cân nặng tối ưu ”, Tiến sĩ Desai kết luận./.