Vàng tăng giá
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới ở mức 1.825 USD/ounce, giảm 22 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Vàng tăng giá.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng từ thông tin Tổng thống Mỹ mới trúng cử ông Biden đã tuyên bố sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế ngay sau khi ông lên nhậm chức. Thông tin này chắc chắn vì Đảng Dân chủ đã kiểm soát được cả Thượng và Hạ viện Mỹ.
Thông tin này, giá vàng đang tăng mạnh lên mức 1.854 USD vào phiên ngày 14/1 đã quay đầu giảm sâu 2 phiên liền. So với mức giá cao nhất tuần vàng thế giới giảm 29 USD/ounce. So với giá mở cửa tuần, vàng thế giới giảm nhẹ 3 USD/ounce.
Giới phân tích cho rằng, nhà đầu tư lo ngại khi ông Biden lên nắm quyền, gói kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân bị dịch bệnh có hiệu lực giúp cho kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, do đó vàng ngày càng mất giá. Việc đẩy mạnh thu hồi vốn chờ cơ hội đầu tư là tâm lý của nhà đầu tư những ngày gần đây. Dự báo của chuyên gia, giá vàng tuần tới tiếp tục có nhiều khả năng giảm sâu khi Chính phủ Mỹ bắt đầu đi vào hoạt động, do đó nhà đầu tư cần xem xét thị trường kỹ lưỡng và quyết định thu hồi vốn sớm nếu những dự báo kể trên đúng.
Tuần qua giá vàng trong nước chủ yếu đi theo xu hướng thế giới. Đầu tuần, giá vàng SJC đã lùi về mốc 55 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau đó 2 phiên 13 và 14/1 giá vàng thế giới đảo chiều đi lên đã kéo gái vàng trong nước tăng mạnh, có lúc lên trên mốc 56,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, 3 phiên cuối tuần giá vàng SJC lại giảm mạnh.
Tính chung, vàng SJC trong tuần đã mất khoảng 300.000 - 400.000 đồng/lượng so với thời điểm giá cao nhất tuần. Tuy nhiên, so với giá mở cửa tuần vàng SJC vẫn tăng 700.000 đồng/lượng.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 11/1, liên Bộ Tài chính - Công Thương không thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92, dầu diesel, dầu mazut và dầu hỏa. Trong khi đó, xăng RON 95 trích lập ở mức 100 đồng/lít.
Đồng thời, chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít và dầu mazut là 181 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel 200 đồng/lít.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 15.948 đồng/lít (tăng 430 đồng); Xăng RON95-III không cao hơn 16.930 đồng/lít (tăng 451 đồng); Dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.647 đồng/lít (tăng 270 đồng); Dầu hỏa không cao hơn 11.558 đồng/lít (tăng 370 đồng); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.272 đồng/kg (giữ nguyên giá)
Như vậy, xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong nước có lần tăng giá thứ 4 liên tiếp. Giá xăng hiện tại ở mức cao nhất trong vòng hơn 9 tháng qua (kể từ ngày 29/3).
Thực phẩm tăng giá
Tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, mấy ngày nay, giá thịt lợn tăng hơn 10.000 đồng/kg. Cụ thể: Thịt đùi giá khoảng 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi giá từ 170.000 - 220.000đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, giá lợn hơi tăng do nguồn cung ít.
Thịt lợn tăng giá.
Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg trong gần 3 tháng qua. Lý giải nguyên nhân tăng giá thịt lợn, bà Nguyễn Thị Tuyết (kinh doanh thịt lợn tại ngõ 56 Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Giá lợn hơi đã ở mức 78.000 - 80.000 đồng/kg, giá lợn móc hàm cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg lên mức 100.000 đồng/kg, khiến các tiểu thương phải tăng giá bán lẻ. Giá thịt bò hiện tại cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg từ 3 ngày nay.
Không riêng gì mặt hàng thịt, cá, giá một số nông sản cũng đã tăng. Tại TP.Hồ Chí Minh, giá thực phẩm, rau củ cũng tăng nhẹ. Cụ thể, tại chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) giá bông cải trắng, bông cải xanh 50.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cà rốt 22.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; bí xanh 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; mồng tơi 36.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; rau muống 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 40.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; khoai tây, cà tím 25.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; cà chua 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; khổ qua 26.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; ớt 165.000 đồng/kg; gừng 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mặt hàng tôm, giá tôm tăng nhẹ. Tại các địa phương như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu… giá tôm thẻ size 20 con đang ở mức 206.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg, size 30 con 166.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; size 40 con ở mức 162.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; size 50 con 142.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh
Hiện tại, tại Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... thương lái cùng nhà máy chế biến thủy sản thu mua tôm nguyên liệu với giá rất cao. Giá tôm thẻ chân trắng size 20 con hiện ở mức 198.000 đồng/kg, size 30 con 150.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây được cho là mức giá cao so với nhiều năm trở lại đây.
Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hội nuôi tôm Bạc Liêu cho biết: “Giá tôm nguyên liệu cao, nhưng người nuôi trong các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng gần như đã hết tôm”.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thủy Sản Anh Khoa, Cà Mau cho biết tại Cà Mau, hiện giá tôm sú nguyên liệu đã tăng hơn 20% so với hồi tháng 12.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) - cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm nên đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Việc xuất khẩu tôm “được mùa” cũng khiến cho nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm cũng sắp kết thúc. Ông Võ Văn Phục nêu: “Hiện giá tôm đã tăng ở mức 2 con số so với hồi tháng 10. Với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, những doanh nghiệp không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng sẽ rất khó khăn”.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho đến cuối tháng 10/2020 giá tôm ở mức thấp khiến người dân hạn chế thả mới. Do đó, thời điểm đầu năm 2021, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ thiếu hụt, giá tôm sẽ tiếp tục tăng nếu thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi.
Nhiều loại trái cây rớt giá
Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc” trái cây của cả nước. Ở thời điểm này, người trồng cây ăn trái tại địa phương không vui vì đầu ra nhiều loại trái cây khó khăn, giá giảm mạnh.
Giá thanh long giảm mạnh.
Tại tỉnh Tiền Giang hiện nay, chỉ có duy nhất trái sầu riêng do khan hiếm nên đạt mức giá kỷ lục, trên 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều loại trái cây đặc sản khác rớt giá, nông dân thua lỗ.
Trái bưởi da xanh thời điểm này giá chỉ ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 50% so với cùng vụ năm ngoái. Trái thanh long nghịch vụ cũng ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dừa Xiêm xanh giá 50.000 - 55.000 đồng/chục (12 quả)…
Theo các doanh nghiệp thu mua trái cây cho biết, giá trái cây năm nay giảm là do dịch Covid-19 chưa lắng dịu, thị trường xuất khẩu trái cây gặp khó khăn. Đối với thị trường nội địa, nhiều khu vực thời tiết lạnh, sức mua trái cây giảm.
Ông Đinh Văn Tảo, nhà vườn trồng cây thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, trong suốt thời gian dài vừa qua thanh long bị rớt giá. Hiện nay, vào vụ nghịch, nhà vườn phải xông điện, tăng cường bón phân, xịt thuốc chi phí tăng, nên thua lỗ.
"Thanh long thu hoạch với giá bán hiện nay khiến người trồng không có lãi thậm chí còn bị lỗ. Nhà vườn đã phải chịu thêm nhiều chi phí như thuê vuốt ngoe 35.000 đồng/giờ; cùng các loại thuốc trừ sâu, phân bón… Điều cần nhất hiện nay là nhà nước có chính sách ngoại giao đối với các nước khác để lưu thông hàng hóa, xuất khẩu được trái cây mới đỡ cho người trồng, bởi trái thanh long nếu chỉ tiêu thụ trong nước sẽ vượt quá nhu cầu cùng giá bán thấp", ông Tảo cho biết.