Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.787 USD/ounce, tăng hơn 9 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng mạnh dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ lên 7%, cao nhất của Mỹ kể từ năm 1984 trở lại đây. Hồi tháng 4 vừa qua, cơ quan này chỉ đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ là 4,6% và năm 2022 là 4,9%.
Ảnh minh họa. (Internet)
Thông thường, giá vàng sẽ giảm mạnh khi các dự báo kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thị trường lại nhìn nhận thông tin ở khía cạnh lạm phát gia tăng. Bởi IMF nhận định, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đại dịch sẽ tạo ra “sự khó lường đáng kể” đối với lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong vài tháng tới, gây khó khăn cho việc phân tích các xu hướng lạm phát tiềm ẩn.
IMF nhận định rằng, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các kế hoạch cải cách thuế, chi cho xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Biden với quy mô lớn. Nếu những thông tin IMF đưa ra thành hiện thực thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm nâng lãi suất vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Mặc dù, phiên vừa qua, đồng USD tiếp tục tăng giá so với 6 đồng tiền chính trong giỏ thanh toán quốc tế, nhưng nhà đầu tư vẫn thấy lo ngại tiềm ẩn về lạm phát. Do đó, giới đầu cơ đã đẩy mạnh mua vàng nhằm tránh rủi ro từ lạm phát.
Đầu tuần, trước khi có thông tin việc làm tại Mỹ, giá vàng thế giới có 2 phiên giảm. Nhưng sau báo cáo việc làm và thông tin kinh tế từ IMF đã khiến vàng tăng liền 3 phiên. Chốt tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng 12 USD so với giá mở cửa tuần.
Trên thị trường trong nước, chốt tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do tăng từ 50.000 – 150.000 đồng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC tại Doji và Phú Quý cũng tăng giá 150.000 đồng/lượng so với mở cửa tuần.
Nhận định của một số doanh nghiệp, tuần qua thị trường vàng trong nước ảm đạm do sức mua yếu. Hầu hết thiếu vắng nhà đầu tư lớn, chủ yếu là người dân mua tích trữ và làm quà tặng, quà biếu.
Giới phân tích cho rằng, tuần qua nhà đầu tư tập trung nguồn tiền vào đầu tư cổ phiếu, trái phiếu nhằm sinh lời. Tuy nhiên, đà tăng của vàng trong nước là đi theo xu hướng thế giới.
Giá gas tháng 7 tăng 30.000 đồng/bình 12 kg
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/7 giá gas bán lẻ tại cửa hàng là 405.000 đồng/bình 12 kg, tăng 30.000 đồng so với giá cũ.
Tương tự, công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương cũng phát đi thông báo giá bán lẻ các thương hiệu gas của doanh nghiệp tăng 2.500 đồng/kg từ ngày 1/7. Cụ thể, giá bán lẻ tối đa bình 12 kg Gas Pacific, ESGas, City Petro là 428.000 đồng. Với bình 45 kg, giá bán không vượt quá 1,6 triệu đồng; với bình 50 kg là 1,78 triệu đồng.
PetroVietnam Gas của Công ty Cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam tại miền Nam cũng tăng lên 404.400 đồng/bình 12 kg. Với bình 45 kg, giá bán lẻ lên mức gần 1,517 triệu đồng/bình.
Ảnh minh họa. (Internet)
Theo lý giải của Chi hội gas miền Nam, giá bán lẻ gas tháng 7 tăng mạnh do giá gas thế giới giao hàng tháng 7 vọt lên 620 USD/tấn, tăng đến 92,5 USD/tấn.
Xu hướng giá gas tăng không nằm ngoài dự báo của các công ty kinh doanh gas do giá gas thế giới trong tháng 6 tăng mạnh. Ngày 30/6, giá gas trên thị trường thế giới tăng hơn 1%.
Trước đó, vào đầu tháng 6, giá gas đã có một lần điều chỉnh tăng ở mức 14.000 đồng/bình 12 kg cũng do giá gas thế giới tăng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đây đã là lần thứ 5 giá gas trong nước được điều chỉnh. Tổng 5 lần tăng hơn 95.000 đồng/bình 12 kg.
Trái cây tiếp tục rớt giá thê thảm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là đối với nhà vườn trồng cây ăn trái. Hiện nhiều loại trái cây trong vùng giá xuống thấp, khó khăn trong tiêu thụ.
Ảnh minh họa. (Internet)
Hiện mít Thái là loại trái cây rớt giá mạnh nhất trong những ngày qua ở tỉnh Hậu Giang. Từng ở mức vài chục ngàn đồng/kg, nhưng hiện nay mít Thái mua xô chỉ còn ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nếu ở thời điểm giá mít ở mức cao, mỗi trái mít nhà vườn thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng, thì hiện nay chỉ còn ở mức 20.0000 - 30.000 đồng/trái. Giá rẻ đi kèm với việc thiếu người mua, mít chín không kịp thu hoạch nhiều nhà vườn đành phải bỏ.
“Giá mít giảm thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mấy năm trước không có dịch, giá mít cũng có lên - xuống nhưng trồng mít cũng hiệu quả. Còn giờ có dịch nên thu nhập từ trồng mít rất bấp bênh”, ông Lê Văn Tác ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp than thở.
Không chỉ mít Thái, các loại trái cây khác như xoài, chanh không hạt, dưa lưới… đều rớt giá mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong nước, khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, từ đó trái cây thu hoạch xong không có đầu ra ùn ứ nhiều, giá giảm mạnh không chỉ làm cho nhà vườn lao đao mà các chủ vựa trái cây cũng gặp khó.
Ông Huỳnh Công Hậu, chủ vựa trái cây ở xã Hòa Mỹ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày vựa của ông thu mua và xuất bán về các tỉnh, thành lớn trong nước từ 7-8 tấn xoài Đài Loan, nhưng gần nửa tháng nay không xuất được chuyến nào. Hiện vựa của ông còn gần 30 tấn xoài Đài Loan đã đặt cọc nhà vườn, nhưng do dịch bệnh chưa thể thu hoạch được.
“Tình hình dịch bệnh khiến xoài vận chuyển ra Hà Nội không bán được. Giá xoài từ mười mấy ngàn giờ còn có 2.000 đồng/kg. Giờ xoài còn trong vườn rẻ quá nên các nhà vườn cũng không bán, bỏ luôn cho chín rồi cho cá ăn vì thu hái sẽ lỗ tiền công”, ông Hậu chia sẻ.
Trái cây các loại giảm mạnh không chỉ làm cho nhà vườn, chủ vựa lao đao, mà còn làm cho thương lái và lực lượng nhân công thu hoạch trái gặp khó do giá thuê, mướn thu hoạch trái cũng phải giảm theo và ít người thuê mướn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, thương lái thu mua xoài Đài Loan, cho biết, hiện giá thuê nhân công thu hoạch trái tại vườn đã giảm từ 1.000 xuống còn 700 đồng/kg, mặc dù thu nhập của nhân công đã giảm nhưng anh vẫn thua lỗ.
“Giá xoài mua có 2.000 đồng/kg nhưng công hái đã hết 700 đồng sau đó còn phải thuê xe chở về. Chi phí rất nặng nhưng vẫn phải mua của nhà vườn không để mất mối. Thấy lỗ rồi bỏ chạy mai mốt nhà vườn sẽ không bán cho mình. Lúc đặt cọc xoài hàng còn đi được, mấy bữa nay thì dịch bệnh nhiều chỗ nên tiêu thụ xoài rất khó”, anh Tuấn cho biết.
Tỉnh Hậu Giang có hơn 41.500 ha trồng cây ăn trái, với sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 300.000 tấn.trái. Chỉ tính riêng ở huyện Phụng Hiệp, trong tổng số gần 9.500 ha cây ăn trái thì có khoảng 450ha cho thu hoạch từ đầu tháng 6 đến nay, với tổng sản lượng ước hơn 1.850 tấn, chủ yếu là mít Thái, mãng cầu xiêm, chanh không hạt, xoài Đài Loan, cam sành và cam xoàn… Hầu hết những loại trái này đều giảm giá từ 30-50% so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng.
Giá rau xanh tại TP Hồ Chí Minh tăng vọt vì dịch Covid-19
Theo ghi nhận, sáng ngày 28/6, tại một số chợ ở TP Hồ Chí Minh như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4)... lượng khách hàng đến chợ giảm mạnh so với trước. Nếu như giá các thực phẩm khô, đông lạnh hầu như không thay đổi, thì giá rau củ quả tăng vọt.
Cụ thể, dưa leo lên 30.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với lúc đầu tháng 6; đậu cô ve có giá 44.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6; rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 25.000-30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau bí từ 30.000 đồng/bó nay lên 40.000 đồng/bó; xà lách tùy loại tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/gói (khoảng 2 búp) và nhiều loại rau khác cũng có mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Internet)
Trong khi đó, thịt heo tại chợ có giá ổn định. Sườn non 150.000-170.000 đồng/kg, ba rọi 120.000-130.000 đồng/kg, nạc vai có giá 110.000-125.000 đồng/kg...
Chị Lê Thị Thu (đường 3/2, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết, những ngày qua quá “nhức đầu” khi tính toán đi chợ do giá nhiều thực phẩm lần lượt tăng cao, nhất là các loại rau xanh: “Giá cả mỗi nơi một khác, nhưng nhìn chung là đều tăng, thậm chí có nhiều loại tăng giá lên gần gấp đôi. Sáng nay tôi mua 1 quả mướp và 1 bó rau dền để nấu canh cũng lên tận 40.000 đồng”, chị Thu nói.
Cũng bất ngờ vì giá rau xanh tăng quá cáo, chị Nguyễn Thanh Nhàn (đường Bà Hom, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cảm thấy bị sốc vì bầu bí, cà chua, dưa leo… đều từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
“Hầu hết các loại rau xanh đều tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước đây. Đi chợ, rau củ mà tăng cả 10.000 đồng/kg thì rất căng, bởi toàn những loại thường dùng trong bữa cơm hằng ngày”, chị Nhàn than thở.
Theo giải thích chung của một số tiểu thương, do thực hiện giãn cách xã hội không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác nên việc vận chuyển khó khăn hơn, nhất là rau xanh phải được cung cấp hằng ngày cho tươi mới. Từ đó giá tăng lên. Bên cạnh đó họ cũng sợ không bán hết nên lấy ít hàng hơn trước nhưng người mua lại nhiều hơn khi xe đẩy, vỉa hè, chợ tự phát phải tạm ngừng hoạt động.
"Rau củ đều tăng giá nhưng lượng hàng về không đủ bán cho khách. Nhiều khách ra hỏi thì tôi đã bán hết từ 8 giờ sáng", chị Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1) chia sẻ.