Theo nhiều chuyên gia, các ứng dụng gọi xe công nghệ không còn đơn thuần phục vụ vận chuyển, giao hàng, thức ăn… mà đang phát triển thành cổng thanh toán, bắt tay với ngân hàng mở rộng sang tài chính công nghệ.
Đa dạng dịch vụ
Chị Nguyễn Linh (TP Hà Nội) cho biết gần đây, chị không còn sử dụng thẻ Visa để thanh toán cho những khoản chi tiêu nhỏ mà thay bằng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab khi hãng này liên kết khách hàng với hàng trăm cơ sở kinh doanh.
"Nạp thẻ điện thoại 100.000 đồng trên Moca chỉ phải thanh toán 90.000 đồng và được cộng hơn 160 điểm vào ví. Tiền trong Moca có thể chuyển vào thẻ ngân hàng khi cần thiết mà không mất phí" - chị Linh kể thêm về những tiện ích.
Các hãng xe công nghệ đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực tài chính Ảnh: TẤN THẠNH
Từ tháng 10 năm ngoái, Grab và đối tác Moca hợp tác triển khai ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Đại diện Grab Financial Group Việt Nam cho hay số lượng người dùng ví Moca trên ứng dụng Grab ngày càng tăng cao.
"Moca đang là một trong những ví điện tử có số lượng ngân hàng liên kết nhiều nhất, với 17 ngân hàng và 1 ngân hàng số (Timo). Số lượng giao dịch, tính năng thanh toán không dùng tiền mặt của ví đều tăng trưởng cao. Hiện người dùng có thể sử dụng ví Moca trên ứng dụng Grab để thanh toán cho các chuyến đi, đơn hàng đồ ăn và phí giao hàng, chuyển tiền trong ví cho nhau; thanh toán tại cửa hàng; thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại di động…" - đại diện Grab Financial Group Việt Nam giới thiệu.
Theo một số tài xế ôtô chạy ứng dụng Be, họ sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sau khi ngân hàng này bắt tay với Công ty CP Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be). Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Be Group và VPBank mới đây là bước đi tiếp theo cho mục tiêu hướng đến hệ sinh thái công nghệ mở của Be Group.
Theo đó, một dịch vụ tài chính mới được phát triển bởi Be Group có tên beFinancial - một trong những nền tảng dịch vụ tài chính di động. beFinancial cung cấp dịch vụ tài chính của VPBank trên nền tảng công nghệ số khi ứng dụng gọi xe này triển khai thanh toán qua thẻ, giao hàng, ví điện tử… Thẻ tín dụng, ghi nợ đồng thương hiệu giữa Be và VPBank cũng được phát triển, hỗ trợ việc thanh toán sản phẩm, dịch vụ.
Chủ thẻ đồng thương hiệu của Be - VPBank còn được vay tiêu dùng, tài xế Be có thể tiếp cận dịch vụ của VPBank được thiết kế riêng; lãi suất ưu đãi khi vay mua ôtô, xe máy chạy xe công nghệ…
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group, dịch vụ tài chính beFinancial nằm trong các cam kết với khách hàng của công ty, sau khi triển khai dịch vụ vận tải là các sản phẩm tài chính số. Việc bắt tay cùng ngân hàng cung cấp các sản phẩm thanh toán, tài chính được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp thanh toán nhanh chóng, bảo mật cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả tài xế…
Mở rộng hoạt động tài chính
Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Fastgo, ứng dụng gọi xe Fastgo có lợi thế về công nghệ từ công ty mẹ nên hãng có thuận lợi triển khai nhiều dịch vụ mới, trong đó có khâu thanh toán từ thẻ, ví điện tử. "Fastgo còn liên kết với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa để cung cấp dịch vụ giao hàng, chuyển phát…, từ đó tạo nên hệ sinh thái thanh toán điện tử linh hoạt" - ông Tuất dẫn chứng thêm.
Một ứng dụng gọi xe khác cũng nhanh chóng nhập cuộc thanh toán điện tử là Goviet. Đại diện chủ ứng dụng gọi xe này thừa nhận đã triển khai cung cấp ứng dụng đa dịch vụ với giải pháp kết nối xe, gọi thức ăn, giao hàng… với nhiều hình thức thanh toán. Hãng cũng đang liên kết với các DN khác để cung cấp giải pháp thanh toán cho khách hàng, từ nạp tiền vào tài khoản qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking; nạp tiền thông qua các cửa hàng của Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, FPT Shop, Viettel Post, Circle K... Ngoài ra, các đối tác có thể rút tiền từ ví tại tất cả cửa hàng của FPT Shop.
Hiện Grab đã triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại một số quốc gia nhưng chưa có kế hoạch triển khai dịch vụ này tại Việt Nam. Tuy nhiên, ứng dụng gọi xe này không giấu tham vọng đưa tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính hơn, cũng như gia tăng thị phần.
Be Group còn đặt mục tiêu xa hơn là cung cấp giải pháp tài chính số cho các DN qua ứng dụng tài chính beFinancial. Theo đó, thay vì phải ứng tiền trước theo định kỳ cho nhà cung cấp, DN có thể thanh toán trước với hạn mức tín dụng hoặc khoản vay được cung cấp bởi VPBank.
Xu thế thị trường
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc Vinalink (đơn vị tư vấn chiến lược marketing), đánh giá cao lợi ích cho người tiêu dùng khi các hãng gọi xe công nghệ liên tục cạnh tranh, đa dạng hóa dịch vụ, đặc biệt lấn sân sang phát triển ứng dụng tài chính. Việc các ứng dụng không đơn thuần chỉ phục vụ dịch vụ gọi xe, gọi món mà đặt mục tiêu trở thành cổng thanh toán sẽ là xu thế phổ biến trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng không chỉ Be Group, ngân hàng sẵn sàng hợp tác với nhiều công ty công nghệ khác nhằm xây dựng và phát triển các giải pháp, dịch vụ ngân hàng số. Tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ giao dịch qua các kênh số hóa chiếm hơn 55% tổng số giao dịch toàn VPBank và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. |