Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối quý III năm nay tăng 5,8%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8/2023. Năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Như vậy, mặc dù đã qua gần 3/4 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra. Vậy nguyên nhân do đâu và cần có giải pháp gì để cung và cầu tín dụng có thể gặp nhau?
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%. Trước đó, NHNN cho biết, tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Theo ghi nhận trên thị trường, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện chỉ còn 5,5%/năm, ngang với giai đoạn Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới ghi nhận lại tình trạng huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của năm. Trong các năm trước, tăng tưởng tín dụng luôn cao hơn đáng kể so với huy động vốn.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đã có hướng dẫn, nếu bên vay bị lỗ nhưng có phương án khắc phục ngân hàng sẽ cho vay. Ngân hàng triển khai thêm 2 sản phẩm tín dụng về các DN xuất nhập khẩu, các DN vừa và nhỏ với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 1 - 2%.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái, có nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tác động đến DN khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa, do tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, nên mức độ rủi ro cũng được đánh giá cao hơn. Điều này khiến ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, vấn đề nghiêm trọng của tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay là do cầu của nền kinh tế đang yếu.
“Báo cáo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, khảo sát gần 10.000 DN đã có gần 60% số DN cho biết khó khăn nhất hiện nay là đơn hàng. Khi không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít, buộc DN phải thu hẹp sản xuất. Như vậy, có tiếp cận tín dụng cũng không có đầu ra của sản phẩm. Việc cho rằng lãi suất cao cũng là một khía cạnh, điều kiện tiếp cận tín dụng khó khăn cũng chỉ là một khía cạnh. Do đó phải giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế”, bà Mùi lưu ý.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để “cung” và “cầu” tín dụng có thể gặp nhau, một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cần được triển khai, trong đó cần có sự góp sức của cả người dân, DN và ngân hàng cũng như sự tham gia quản lí của cả NHNN và sự định hướng vĩ mô của Chính phủ. Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân đúng quy trình, thủ tục và quy định pháp luật đối với các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%...
Đối với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho DN, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank thông tin, các DN và cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất ngắn hạn, có thể vay vốn sản xuất từ 7,5% với kỳ hạn từ 3-12 tháng. Thủ tục vay đơn giản, các DN có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng là có thể cấp tín dụng.
Đối với các DN, giải pháp quan trọng nhất để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng là phải tăng cường sức khỏe tài chính của DN, minh bạch hóa dòng tiền và phương án kinh doanh để củng cố niềm tin và mối quan hệ với các tổ chức tín dụng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phía cơ quan quản lý nhà nước tính toán, hỗ trợ chính sách cho các ngân hàng. Phía DN cần tìm kiếm đơn hàng, mở rộng sản xuất kinh doanh mới có nhu cầu vay, từ đó ngân hàng mới có cơ sở thẩm định dự án vay. Dù ngân hàng có giảm lãi suất, đơn giản thủ tục, nhưng DN không có đơn hàng sản xuất cũng rất khó vay vốn.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc khi nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất - nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện, cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm.