OMNINEXT là diễn đàn định kỳ được khởi xướng từ Purpose.Ant cùng các đối tác từ năm 2018 nhằm chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực marketing, nhằm đồng hành và thúc đẩy thương hiệu tăng trưởng trong kỷ nguyên digital và thương mại xuyên kênh hợp nhất.
Trong kỷ nguyên digital, các thương hiệu nói chung và thương hiệu thuộc ngành bán lẻ nói riêng gặp khá nhiều thách thức trong việc tối ưu hoá tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) và tỉ lệ khách hàng quay trở lại (retention rate). Khách hàng mục tiêu xuất hiện trên rất nhiều điểm chạm, cả online và offline, dù đã nhìn thấy quảng cáo, thông điệp hoặc các ưu đãi hấp dẫn đến từ thương hiệu, nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định không “chốt đơn”, hoặc không quay trở lại mua sắm, không trở thành khách hàng trung thành…
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp thách thức lớn với bài toán tăng trưởng, từ đó chần chừ khi cân đối ngân sách dành cho mảng truyền thông và tiếp thị xuyên kênh vì chưa nhìn thấy được hiệu quả tác động đến tỉ lệ chuyển đổi.
Theo khảo sát gần nhất của Google, 8/10 người tiêu dùng ở Việt Nam là người tiêu dùng mua sắm và tìm kiếm trải nghiệm đa kênh (omnichannel). Tỉ lệ này cũng đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này chính là yếu tố then chốt làm thay đổi cục diện các kênh bán hàng, thúc đẩy các thương hiệu phải nhanh chóng xây dựng chiến lược marketing và thương mại tích hợp đa kênh.
Cũng theo khảo sát từ Google tại khu vực Đông Nam Á, 73% người tiêu dùng xem các điểm chạm online, bao gồm công cụ tìm kiếm, nền tảng thương mại điện tử, website và trang mạng xã hội chính thức của thương hiệu, quảng cáo trực tuyến… là điểm chạm quan trọng và hữu ích nhất để tổng hợp thông tin và cân nhắc trước khi đưa ra bất kỳ quyết định mua hàng nào.
Sử dụng ngân sách quảng cáo xuyên kênh hiệu quả là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp
Ngân sách quảng cáo dành cho các điểm chạm online không chỉ có tác động đến tỉ lệ chuyển đổi trên các kênh mua sắm trực tuyến, mà trên thực tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến tổng doanh thu tại các điểm chạm online lẫn offline của thương hiệu. Sự thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm này chính là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp bán lẻ mạnh dạn triển khai các chiến dịch Online to Offline (O2O) có sự tích hợp xuyên kênh, đặc biệt là trong mùa lễ hội cuối năm.
Sự kiện OMNINEXT 2022 mang đến nhiều giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp bán lẻ
Năm nay kết hợp cùng với các đối tác Google, Antsomi, AntBuddy và SmartOSC, sự kiện OMNINEXT 2022 mang đến cho các doanh nghiệp bán lẻ những bộ công cụ và giải pháp đo lường hiệu quả quảng cáo O2O, nền tảng dữ liệu khách hàng - Customer Data Platform (CDP) 365, Omnichannel Marketing và Omnichannel CRM & Call Center thiết thực, tích hợp sức mạnh của nội dung, công nghệ và dữ liệu khách hàng… nhằm xây dựng những trải nghiệm chất lượng cho khách hàng mục tiêu tại mọi điểm chạm xuyên suốt phễu hành trình, từ đó giải quyết bài toán về chuyển đổi và tăng trưởng.
Tiến sĩ Đinh Lê Đạt – đồng sáng lập và Phó giám đốc Purpose.Ant, đồng sáng lập của Antsomi
Tiến sĩ Đinh Lê Đạt – đồng sáng lập và Phó giám đốc Purpose.Ant, đồng sáng lập của Antsomi chia sẻ: “Các doanh nghiệp bán lẻ có lợi thế so với một số lĩnh vực khác là họ có trong tay dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên có dữ liệu khách hàng trong tay là một chuyện, nhưng xử lý, phân tích và kích hoạt được dữ liệu đó lại là một thách thức khác. Mục tiêu tối thượng cần đạt được, chính là mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thống nhất từ thương hiệu, được cá nhân hoá tối đa tại mọi điểm chạm trên toàn bộ hành trình mua sắm, cả online lẫn offline. Để làm được điều đó, thương hiệu sẽ cần những giải pháp công nghệ CDP 365 giúp xây dựng chân dung hợp nhất về khách hàng xuyên kênh, từ nguồn dữ liệu đã thu thập được. Càng mang đến cho khách hàng mục tiêu những trải nghiệm chất lượng thì doanh nghiệp càng có cơ hội tối ưu hoá tỉ lệ chuyển đổi và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.”
Ông Ngô Đức Lợi - CEO của AntBuddy chia sẻ thông tin hữu ích trong sự kiện
Ông Ngô Đức Lợi - CEO của AntBuddy chia sẻ: “Khách hàng ngày nay xuất hiện và tương tác với thương hiệu tại những điểm chạm vô cùng phong phú. Thương hiệu không thể yêu cầu khách hàng chỉ tìm đến mình thông qua 1 đường dây hotline, hay chỉ cho phép họ inbox mình trên mạng xã hội. Chính từ thực tế đó mà những giải pháp dịch vụ khách hàng cũng cần phải được cải tiến nhằm mang đến những trải nghiệm xuyên suốt và thống nhất tại các điểm chạm online và offline. Làm sao có thể nhận diện nhanh chóng khách hàng, nắm bắt lịch sử tương tác của họ với thương hiệu, giải quyết được nhanh chóng những vấn đề họ quan tâm, dù họ đang liên hệ mình từ điểm chạm nào… đó chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp bán lẻ cần phải quan tâm và hoàn thiện nếu muốn tăng trưởng bền vững trên nền tảng thương mại xuyên kênh ngày nay.”
Hải An