Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tới dự buổi lễ còn có Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Bí thư T.Ư Đảng; các đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đồng chí Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng...
Đoàn đại biểu TP Hà Nội tham dự buổi Lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương... cùng các đồng chí lãnh đạo của TP.
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Tham dự Lễ Kỷ niệm có khoảng 2.000 đại biểu gồm các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố; trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội…
Lễ Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
Chương trình Lễ kỷ niệm bao gồm: Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng; Lễ Chào cờ; diễn văn kỷ niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phát biểu của nhân chứng đã từng làm việc hoặc có nhiều kỷ niệm được gặp Bác; phát biểu của đại diện thế hệ trẻ…
Trước buổi lễ, vào 7h30, Đoàn đại biểu Trung ương viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, quận Ba Đình).
Tham dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Đọc diễn văn tại buổi Lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – Người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc mọi thời đại.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – một miền quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ta.
Chính viễn cảnh nước mất nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta theo các khuynh hướng cứu quốc khác nhau đã bị thất bại…Người nung nấu, quyết tâm đi tìm cho được đường lối để cứu nước, cứu dân.
Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu con đường đi tìm đường cứu nước.
Bằng nhãn quan chính trị, Người quyết định sang phương Tây – nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”; xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào để trở về giúp đồng bào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Bôn ba khắp năm châu bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học huyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người rút ra kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng Việt Nam.
Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh trí tuệ và ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin và việc thành lập một Đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Sau gần 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài, ngày 28 tháng Giêng năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 5/1941, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động tập hợp lực lượng toàn dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên khắp cả nước.
(tiếp tục cập nhật)...