Ngày 12-11, sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, cô bé V.N.T.O. (12 tuổi, ngụ Tuy Phong, Bình Thuận) đã được các bác sĩ (BS) của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho xuất viện.
O. đổ bệnh bất ngờ vào 3 tuần trước. Ban đầu em chỉ sốt, có vẻ như mắc một cơn bệnh nhẹ. Nhưng đến ngày thứ 2 của cơn bệnh, cô bé đột ngột bị ngất, lơ mơ nên được gia đình đưa đến Bệnh viện huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) để kiểm tra. Nhận định tình hình bệnh nhân quá nặng, các BS ở đây đã chuyển O. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Bé O. đã hồi phục, sẽ được xuất viện trong hôm nay
Lúc đó, cô bé đã rơi vào tình trạng sốc tim, một bệnh cảnh cực kỳ nặng trong hồi sức. Tim em chỉ đập 26 lần/phút, một tốc độ quá chậm, có thể nói là gần như ngưng tim.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận lập tức hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở TP HCM để tính đến việc chuyển viện. Lúc đó là 16 giờ 45 ngày 25-10. Sau đó vài tiếng, đến 21 giờ, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đón được cháu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo lời kể của BS Bạch Văn Cam, cố vấn về cấp cứu - hồi sức của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé rất may mắn bởi chỉ chậm 5 phút nữa thôi là khó cứu, vừa đến cổng bệnh viện, em đã ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn.
Quy trình báo động đỏ lập tức được kích hoạt. Cô bé được hồi sức tim phổi, nối vào hệ thống ECMO, có thể nói nôm na là một dàn máy móc đóng vai trò tim, phổi nhân tạo, tạm thay thế trái tim, lá phổi bệnh nhân khi bệnh trạng nặng đến mức chúng không thể tự hoạt động được nữa.
Các bác sĩ đang kể lại câu chuyện
Phải mất 6 ngày, trái tim cô bé mới có thể tự sinh tồn được, mà không cần đến ECMO. Sau đó là một thời gian dài để các cơ quan bé nhỏ, nhất là trái tim hồi phục dần. Theo PGS Phạm Văn Quang, cho dù đã khỏe lại một cách ngoạn mục, cô bé vẫn cần được theo dõi 1-2 năm nữa.
Theo BS Bạch Văn Cam, viêm cơ tim là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Với hệ thống ECMO hiện đại mà một số bệnh viện ứng dụng gần đây, với các bé mới sốc tim chứ chưa ngưng tim, khả năng cứu sống còn tương đối cao. Nhưng với các bé đã ngưng tim, ngưng thở thì tỉ lệ cứu sống chỉ còn từ 30-40%.
BS Bạch Văn Cam cũng cho biết quan trọng nhất trong các ca viêm cơ tim, là các bệnh viện tuyến trước sớm nhận định được tình hình và chuyển viện, bởi nếu để mức độ diễn tiến quá nặng, nguy cơ tử vong dọc đường rất cao.
Với bé O., việc chuyển viện kịp thời đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian tới, ông kỳ vọng sẽ thành lập được các đội cấp cứu ECMO lưu động để kịp thời hỗ trợ những bệnh nhân ở tỉnh xa, nặng quá không thể chuyển viện.