Nam thanh niên 24 tuổi nhập viện mổ xương đùi, qua sàng lọc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối.
Hơn 10 ngày trước khi vào viện, nam thanh niên 24 tuổi, trú tại TP.HCM bị ngã xe. Thăm khám, bác sĩ phát hiện người bệnh gãy xương đùi. Tiếp tục ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, sàng lọc tìm nguyên nhân xương dễ bị gãy chỉ sau cú ngã nhẹ, kết quả xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán người bệnh suy thận mạn tính.
“Biến chứng loãng xương ở người bệnh thận mạn là lý do khiến nam thanh niên còn rất trẻ dễ gãy xương sau cú ngã nhẹ”, PGS.TS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh Viện Thống Nhất (TP.HCM) nói.
Trước đó, người bệnh không có dấu hiệu báo trước, chỉ khi vào viện vì ngã gãy xương đùi mới biết bị suy thận giai đoạn cuối. Người bệnh được chỉ định nhập viện phẫu thuật xương đùi. Sau khi bộ phận tổn thương này hồi phục, các chuyên gia sẽ hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị suy thận mạn cho người bệnh.
"Bệnh thận mạn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam cũng như trên thế giới, được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì các triệu chứng thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu", PGS.TS Võ Thành Toàn nói tại tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày 13/11.
Đây là căn bệnh mạn tính phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Tại Việt Nam, bệnh thận mạn hiện đứng thứ 8 trong các nguyên nhân gây tử vong, nhưng nhận thức của người dân về bệnh lý nguy hiểm này vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường giáo dục cộng đồng, kết hợp với các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm nhằm cải thiện tình hình.
Thực tế, trong đợt triển khai chương trình Careme tại Bệnh viện Thống Nhất, với hơn 600 người tham gia, đơn vị phát hiện ra 11,18% người tham gia có vấn đề về thận, trong đó tỷ lệ ở nam giới là 14,19%, cao hơn đáng kể so với nữ giới, là 8,22%.
Những con số này là lời cảnh báo rõ ràng, cho thấy nhiều người Việt có nguy cơ mắc bệnh thận nhưng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. “Chương trình Careme không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh lý thận mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo cơ sở dữ liệu quan trọng để phân tích và định hướng chiến lược y tế”, PGS Toàn cho biết.
Theo thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, tiểu đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Riêng bệnh suy thận, theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và Chương trình CAREME thu hút 21.217 thầy thuốc trẻ tham gia. 1.136.135 lượt người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp, gấp 11 lần so với chỉ tiêu đặt ra. Chương trình có hơn 2,6 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ (gấp 2,6 chỉ tiêu).
Chương trình "CAREME - Yêu lấy mình" là sáng kiến chuyển đổi số do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam xây dựng, giới thiệu và nhân rộng các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mạn, vốn là những bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu hiện nay với tỷ lệ mắc và thương tật gia tăng nhanh và cũng đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong thời gian gần đây.