Phát triển nhà ở xã hội “vướng” đủ bề
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn) và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt được kỳ vọng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp bất động sản đầu tư.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, quá trình xây dựng một dự án nhà ở xã hội thực hiện trong 5 năm, với lãi suất 10%, chia trung bình được 2%/năm quá thấp khiến khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm.
“Quá trình đầu tư nhà ở xã hội vướng mắc rất nhiều trong thủ tục để được ưu đãi về thuế, dự án nhà ở xã hội được tăng mật độ xây dựng lên 1,5 so với các dự án thương mại nhưng quá trình điều chỉnh quy hoạch để triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Lao động tự do khó tiếp cận nhà ở xã hội khi không xác nhận được thu nhập, không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội” - ông Lê Hữu Nghĩa nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động TP.HCM (HOREA) cho rằng, định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
“TP.HCM các doanh nghiệp tự bỏ vốn để tạo lập quỹ đất và đầu tư phát triển dự án. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020, đạt tỉ lệ 75%, con số này cao hơn tỉ lệ của cả nước chỉ 41%, đây là nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội cũng là vấn đề của nhiều địa phương, ông Luyện Văn Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội nêu thực tế tại Hà Nội: “Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỉ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế”.
Gỡ “nút thắt” cho phát triển nhà ở xã hội
Sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Kinh doanh bất động sản để thống nhất các quy định về thuế ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang là ý kiến được các chuyên gia đưa ra, giải pháp căn cơ cho phát triển nhà ở xã hội.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, ngoài việc sửa đổi các luật, đòn bẩy cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.
“Các tỉnh, thành cần chỉ đạo sát sao trong việc xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đất thương mại của khu công nghiệp cần dành ra một diện tích đất xây nhà cho công nhân thuê, một số địa phương đề xuất hỗ trợ vốn, hỗ trợ tiền đầu tư hạ tầng… cho phát triển nhà ở xã hội là phù hợp và tùy thuộc vào nguồn lực của từng nơi” - ông Hà Quang Hưng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, điểm đầu tiên là cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối.
“Khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng, thực hiện quá trình đầu tư nhanh, rút ngắn thời gian để nhanh chóng thu hồi vốn, đạt mức lợi nhuận cao” - ông Nguyễn Mạnh Hà nêu thực tế./.