Đồng tiền liền khúc ruột và vàng cũng là tiền. Vậy giờ để biết trữ vàng chờ lên giá có lợi hay gửi tiết kiệm ngân hàng – cũng có thêm tiền, bạn nên làm toán.
Tôi vừa lên mạng xem giá vàng ngày 19-7-2013, tức cách đây sáu năm, được các tiệm mua vô khoảng 38 triệu đồng/lượng. Lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng bình quân khi đó khoảng 7%/năm. Nếu bạn trữ vàng thời điểm đó và bán ngày 19-7 vừa qua, bạn sẽ thu được khoảng 40 triệu đồng/lượng (tính tròn, vì thực tế sẽ thấp hơn). Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm, lãi suất 7%/năm, rồi cứ để ngân hàng tự đáo hạn và gửi gộp cho các năm tiếp theo thì số tiền gốc và lãi thời điểm này lên tới trên 57 triệu đồng. Đây gọi là cách gửi tiết kiệm với lãi nhồi - compound interest, mà nhà bác học Einstein từng ca ngợi.
Khách hàng mua bán vàng tại công ty SJC. Ảnh: Tấn Thạnh
Với số tiền đó thời điểm này, bạn mua được 1 lượng vàng và vẫn còn dư hơn 17 triệu đồng. Vậy bạn có thấy gửi tiết kiệm lợi hơn trữ vàng chưa?
Nhưng tại sao lại không có nhiều người làm như thế? Đơn giản là do tập quán trữ vàng và cũng vì họ sợ ngân hàng phá sản.
Nhưng liệu có xảy ra việc ngân hàng phá sản hàng loạt không? Chắc là khó. Một số người chắc còn nhớ Ngân hàng Á Châu (ACB) từng hai lần lao đao vì người dân ồ ạt tới rút tiền; mỗi lần cách nhau gần mười năm.
Lần đầu tiên vào năm 2003. Có tin đồn ông Tổng giám đốc ngân hàng này bỏ trốn, thế là khách hàng ào tới rút tiền. Đến nổi ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương nhiệm phải lập tức bay từ Hà Nội vô TP HCM. Ông nói với những người dân đến rút tiền rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Ông cam kết Ngân hàng Nhà nước sẽ "đổ tiền" giúp ACB nếu như mọi khách hàng của ngân hàng này vẫn muốn lấy tiền về.
Rồi Tổng giám đốc lẫn Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cũng xuất hiện, khẳng định ACB vẫn hoạt động bình thường, tiền tiết kiệm của người dân đều được mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lần thứ hai vào năm 2012, khi đó cũng lại có tin đồn ACB mất khả năng chi trả. Lần này nhiều người cũng đến rút tiền nhưng chủ yếu ở TP HCM. Tân Tổng giám đốc của ACB ngay lập tức xuất hiện trấn an người gửi tiền. Từ Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố Chính phủ có đầy đủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung và ACB nói riêng… Thế là ACB đã vượt qua khủng hoảng.
Bạn thấy đó, không dễ mà một ngân hàng bị sụp đổ. Hiếm có Chính phủ trên thế giới để xảy ra chuyện vài ba ngân hàng bị phá sản cùng một lúc cả. Vì, nếu chuyện này xảy ra, rất dễ dẫn đến sụp đổ dây chuyền cho cả hệ thống tài chính - ngân hàng.
Cũng đừng quên Chính phủ nào cũng đều có một vũ khí cực kỳ lợi hại để bảo vệ hệ thống tài chính - ngân hàng nhưng chỉ khi cực kỳ cần thiết mới đem ra dùng: Máy in tiền. Cứ in ra cứu cái đã, lạm phát từ từ tìm cách giải quyết sau.
Và hẳn nhiều người cũng biết vụ tranh chấp tài sản nóng hổi của hai vợ chồng cà phê Trung Nguyên gần đây. Họ vẫn đang có hàng ngàn tỉ đồng trong ngân hàng và số tiền này vẫn sinh lãi hằng ngày. Các đại gia nào có sợ ngân hàng, sao người dân ít tiền lại sợ?!