Khu vực này được các nhà sản xuất ôtô đánh giá là một trong những thị trường ôtô đang phát triển và tiềm năng bậc nhất thế giới. Doanh số bán ôtô ở Đông Nam Á dự báo vượt xa tất cả các khu vực khác.
Với lợi thế về quy mô thị trường và nhiều quốc gia đang bước vào giai đoạn "ôtô hóa", tỉ lệ sở hữu ôtô tại khu vực dự kiến sẽ tăng hơn 40% vào năm 2040. Lợi thế thị trường với xe hơi chạy điện là có, chính phủ các nước trong khu vực đã nhìn thấy tiềm năng này và có những chính sách khuyến khích cho lĩnh vực xe điện.
Tại Việt Nam, hãng VinFast tiên phong trong xu hướng điện khí hóa ôtô, từng bước tung ra thị trường nhiều dòng ôtô điện thuộc những phân khúc khác nhau, không chỉ hướng đến thị trường nội địa mà cả thị trường xuất khẩu.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Thái Lan PTT cũng vừa công bố khởi động kế hoạch sản xuất xe điện tại nước này vào năm 2024 thông qua một liên doanh mới với Tập đoàn Hon Hai Precision Industry (còn gọi là Foxconn). PTT của Thái Lan sở hữu 60% cổ phần trong liên doanh, Foxconn nắm 40%. Trước tiên, một nhà máy sẽ được xây dựng tại phía Đông Thái Lan với năng lực sản xuất khoảng 50.000 xe điện mỗi năm và hướng tới tăng lên 150.000 xe vào năm 2030.
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, Thái Lan ban hành các chính sách thuế ưu đãi cho nhà sản xuất và lắp ráp; miễn thuế với máy móc linh kiện nhập khẩu hoặc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều khoản đầu tư cũng được miễn thuế từ 5-8 năm. Ủy ban Đầu tư Thái Lan cũng đã phê duyệt 26 dự án sản xuất xe điện các loại, với tổng công suất sản xuất hơn 566.000 chiếc mỗi năm.
Singapore dành 30 triệu đô la Singapore cho các sáng kiến liên quan đến xe điện trong 5 năm, bao gồm biện pháp khuyến khích người dân mua xe. Còn Indonesia đặt mục tiêu tăng 20% sản lượng xe, bao gồm xe điện và xe hybrid vào năm 2025. Indonesia miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với việc sản xuất xe điện, pin, động cơ điện và bộ điều khiển năng lượng điện, từ 5 đến 20 năm tùy thuộc vào giá trị của các khoản đầu tư.