Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM với hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày từ 0h ngày 31/5 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Riêng với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nghiêm ngặt hơn.
Trong 3 đợt dịch trước đây, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đã điêu đứng, ráng "cầm hơi" chờ dịch qua đi để khôi phục lại, thì nay, đợt dịch lần thứ tư bùng phát giống như một cú "knock out" với họ.
3 cơ sở thì đóng cửa mất 2
Trái với cảnh đông đúc, khách ra vào nhộn nhịp trước đây, quán mỳ quảng Mỹ Sơn nằm trên đường Song Hành, TP Thủ Đức trong những ngày này đìu hiu, vắng lặng. Trong quán, bàn ghế được xếp lại, một vài nhân viên túc tắc chuẩn bị đồ ăn. Trước mặt quán dán thông báo "Chỉ bán mang về", thỉnh thoảng có một vài khách hoặc shipper ghé mua.
Đại diện quán ăn Mỹ Sơn cho biết, trong mấy ngày nay lác đác người mua mang về. Doanh thu giảm sâu, chỉ đạt khoảng được 30% so với trước, trong khi đó tiền mặt bằng đã "ngốn" mất 60 triệu đồng/tháng. Chưa kể tiền lương cho nhân viên, rồi tiền điện, tiền nước...
"Chúng tôi có 3 cơ sở, trong đó 2 cơ sở ở quận 1 đã đóng cửa, tiền thuê mặt bằng 2 nơi đó cũng hơn 100 triệu đồng/tháng. Chỉ ở đây là còn bán mang về nhưng cũng chỉ ráng cầm cự. Nếu dịch bệnh kéo dài chắc cơ sở ở đây cũng không trụ nổi", người này nói.
Tương tự, quán phở gà nằm trên đường số 7, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức cũng điêu đứng vì dịch COVID-19.
Chị Lan chủ quán cho biết, cơ sở này mới mở ra được hai tháng nay, do là quán mới nên bước đầu còn nhiều khó khăn. Khi lượng khách ổn định, đang ăn nên làm ra thì dịch bệnh làm đảo lộn mọi thứ.
"Mặt bằng này mình thuê mất 15 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh thế này chủ nhà cũng không giảm cho được đồng nào. Do lệnh giãn cách của TP nên quán cũng chấp hành không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán mang về. Tuy nhiên, thời gian này nhiều người cũng hạn chế ra ngoài, e ngại tiếp xúc nên bán hàng rất ế ẩm, thu không đủ bù chi. Hai cơ sở khác thì đã đóng cửa, mình ở đây thì cũng cố bán được đồng nào hay đồng đấy để đỡ đi phần nào tiền mặt bằng", nữ chủ quán thở dài nói.
Giảm giá cũng khó cho thuê
Ở khía cạnh kinh doanh mặt bằng, không chỉ là những con hẻm, ngay cả những khu vực đắc địa nhất của TP cũng xuất hiện nhan nhản các thông báo mời gọi người thuê.
Trước đây, khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát thì việc cho thuê mặt bằng đã khó khăn, nay lại càng trở lên gian nan. Nhiều địa điểm dán thông báo cho thuê cả một thời gian dài, thậm chí giảm giá đến 20-30% nhưng cũng rất khó có khách.
Theo ghi nhận của PV VTC News, trên các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3), đường Song Hành (TP Thủ Đức)… hàng loạt tấm bảng hiệu cho thuê mặt bằng được dán. Bảng nhiều mà người quan tâm rất ít.
Đợt dịch mới đang hoành hành khiến hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở kinh doanh bị dồn vào đường cùng, buộc phải trả mặt bằng trước hạn và mất cả tỷ đồng.
Chị Ngọc, chủ một quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1) cho biết, nếu tình hình như hiện nay còn kéo dài thì các cơ sở ăn uống sẽ khó có thể trụ được lâu.
Theo chị, tiền mặt bằng ở trung tâm quận 1 rất cao, cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Giờ đây nguồn thu tại quán ít, nhân viên cũng đã tạm thời phải nghỉ việc thì việc gồng gánh chi phí là bất khả thi. "Mấy đợt dịch lần trước tôi cũng ráng gồng nhưng có lẽ đợt này chắc tôi phải trả lại mặt bằng chứ kham không nổi", chị Ngọc nói.
Có thể thấy rằng, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như tạm ngưng hoạt động nhà hàng, quán cà phê, cơ sở cắt tóc, làm đẹp và người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là những biện pháp cấp bách để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nó cũng khiến khiến nhiều cơ sở kinh doanh và cả chủ cho thuê điêu đứng.
Theo một chuyên gia về bất động sản, để ứng phó với tình hình trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh và chủ mặt bằng cho thuê buộc phải tìm phương án khác. Tốt nhất vẫn là chủ nhà và khách thuê cùng ngồi lại, tìm giải pháp hỗ trợ lẫn nhau để hai bên tiếp tục đồng hành vượt khó.
Theo VTC