Các nhịp điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hoặc tích lũy thêm cổ phiếu
Thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong phiên đầu tuần với thanh khoản trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index giảm 2,46 điểm (-0,17%) xuống 1.477,33 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 183 mã tăng, 42 mã tham chiếu, 306 mã giảm. HNX-Index giảm 1,61 điểm (-0,35%) xuống 454,59 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tiêu cực với 105 mã tăng, 52 mã tham chiếu, 139 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 1.029 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 30.050 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán thu hút dòng tiền và đồng loạt tăng giá, có thể kể đến: SSI (+1,9%), VND (+6,5%), SHS (+2%), HCM (+1,8%), VCI (+2,3%), VIX (+0,6%), SBS (+3,4%)... Cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa với bên tăng là các cổ phiếu như: VPB (+1%), STB (+1,2%), TPB (+4,7%), MSB (+0,2%), VIB (+3,8%), HDB (+0,3%), VCB (+3,1%)... và các mã giảm là TCB (-0,7%), MBB (-1,1%), SHB (-1,6%), CTG (-1,5%), ACB (-0,3%), LPB (-0,9%)...
Trong nhóm VN30, có 11/30 mã tăng giá. Trong đó, đáng chú ý nhất là POW (+6,7%) tăng trần. Ở chiều ngược lại, có đến 18/30 mã là giảm, có thể kể đến VIC (-2,9%), PLX (-2,4%), GAS (-2,3%), BVH (-1,7%), GVR (-1,7%), CTG (-1,5%), PNJ (-1,4%), VHM (-1,2%), MBB (-1,1%), MWG (-1,1%)... gây áp lực điều chỉnh lên thị trường chung.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường có phiên điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn duy trì xu hướng đi ngang sang phiên thứ 5 liên tiếp được coi là tín hiệu tích cực so với các thị trường thế giới trong phiên hôm nay. Sau kỳ cơ cấu của các quỹ ETF tuần trước, nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin vĩ mô quý 4 như tăng trưởng GDP... do vậy, dòng tiền đổ vào các cổ phiếu chứng khoán vốn được hưởng lợi từ thanh khoản thị trường đang ở mức cao kỷ lục nhờ số lượng tài khoản mở mới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng hay bất động sản,…cũng thu hút được dòng tiền trong phiên này.
“Diễn biến của thị trường đang tích cực, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hoặc tích lũy thêm cổ phiếu”, chuyên gia của MBS nhận định.
VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), chỉ số VN-Index đã có phiên đi ngang tích lũy thứ 5 liên tiếp trong vùng 1.465 – 1.480 điểm. Do đó, thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động giằng co trong biên độ hẹp trước khi có xu thế mới được xác lập rõ ràng hơn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 21/12, sự giằng co có thể tiếp tục diễn ra trong phiên sáng giữa lực mua tại hỗ trợ 1.470 – 1.475 điểm và lực bán tại kháng cự 1.480 – 1.485 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) phân tích, VN-Index tiếp tục kết phiên với cây nến hammer đỏ có chân nến dài và tiếp tục là tín hiệu rút chân khi chạm đường MA (20) cho thấy mặc dù lực bán mạnh diễn ra nhưng vùng cầu giá thấp vẫn rất lớn. VN-Index đang tích lũy xung quanh vùng hỗ trợ ngắn MA (20) ngày và kỳ vọng có thể bắt đầu lại một xu hướng tăng giá ngắn hạn từ vùng này. Với việc tiếp tục điều chỉnh trở lại từ vùng 1.480 điểm, xu thế ngắn hạn của thị trường vẫn chỉ đang là đi ngang. Kỳ vọng trong các phiên giao dịch sắp tới, VN-Index có thể chấm dứt hoàn toàn xu hướng đi ngang khó chịu đã kéo dài suốt gần hai tuần vừa qua như hiện tại.
“Dòng tiền vẫn hướng tới các mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang có xu hướng tăng giá mạnh như các phiên gần đây thay vì vào nhóm trụ vốn hóa lớn. Chúng tôi cho rằng, VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index kỳ vọng có thể sớm chấm dứt xu hướng đi ngang khó chịu như hiện tại”, chuyên gia của TVSI nêu quan điểm./.