Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch; một số chợ khác cũng đang giãn thời gian hoạt động, hạn chế lượng người ra - vào chợ. Điều này khiến việc kinh doanh của tiểu thương ở các chợ truyền thống vốn đã khó khăn trong các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao.
Gần 11 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Duyên, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng khô tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã bắt đầu thu dọn hàng hóa để chuẩn bị về nhà. Những ki-ốt xung quanh, chỗ thì khóa trái cửa im lìm, nơi thì chỉ có chủ sạp ngồi lướt điện thoại, cả buổi sáng may ra lưa thưa khách ghé, còn chiều đến, cơ bản chỉ có tiểu thương nhìn nhau.
Gian hàng tạp hoá của bà Duyên là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay giá nhập về một số mặt hàng cũng đã tăng từ đầu đợt dịch, nhưng sạp của bà vẫn giữ giá bán như cũ vì sợ mất khách. Bà Duyên e ngại nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì khó có thể tiếp tục duy trì việc buôn bán.
“Buôn bán mùa này khó khăn, giá hàng hóa có mắc hơn vì có những mặt hàng không có nên giá cao. Nguồn hàng nhập vào tăng giá hơn trước cùng tiền thuê sạp mỗi tháng cũng hết mấy triệu. Tiểu thương ở chợ chỉ mong nhà nước giảm thuế chút đỉnh giống như mùa dịch lần trước”, bà Duyên bày tỏ.
Chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) trước đây vốn rất đông đúc, nhưng nay ở ngay giữa chợ chỉ còn tiếng trò chuyện của các tiểu thương và tiếng loa tuyên truyền phòng chống dịch. Những mặt hàng tươi sống cũng không nhiều, chỉ vừa đủ để bán trong khoảng nửa ngày.
“Mùa dịch hàng hóa bán rất khó khăn, ế ẩm vì ít người mua. Thuế và và phí chợ cũng không được giảm, vẫn phải đóng đầy đủ. Mình vừa bán hàng vừa phải chạy thêm xe ôm, vì bán hàng không đủ thu nhập nên kết hợp chở hàng giao cho người khác rồi lấy tiền xe ôm”, chị Trần Thị Kim Chung - một tiểu thương ở chợ Nguyễn Đình Chiểu cho hay.
Kinh doanh thịt heo tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) đã lâu, tiểu thương Trần Thanh Nhàn cho biết, lượng khách lẻ hàng ngày đi chợ giảm tới 70% so với thời điểm trước khi có dịch. Khách lấy sỉ thì hoàn toàn vắng bóng.
Gia đình chị Nhàn có "3 đời" kinh doanh tại chợ Tân Định, nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên chị chứng kiến cảnh vắng vẻ, đìu hiu của khu chợ vốn sầm uất này. Ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm qua khiến việc buôn bán cũng như cuộc sống của chị bị đảo lộn. Hiện giờ thu nhập chỉ bằng 1/3 so với ngày thường nên chị phải làm giò chả, bán online để bù vào chi tiêu cho gia đình.
“Trước khi có dịch lượng hàng bán được 10 thì nay chỉ còn 2. Dịch bệnh nên phần nào người dân cũng tiết kiệm, những người buôn bán quán xá cũng tạm ngưng lấy nguyên liệu nên chỉ bán được cho một lượng ít khách hàng mua lẻ. Rất mong nhà nước sớm hỗ trợ giảm tiền thuế cho tiểu thương”, chị Nhàn chia sẻ.
Phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, chưa khi nào không khí ở chợ đầu mối Hóc Môn lại buồn đến thế. Chị Võ Thị My, tiểu thương chuyên bỏ sỉ mặt hàng gừng ở chợ này chia sẻ, mỗi tháng chị bỏ ra khoảng 40-50 triệu tiền thuê sạp, tiền thuế…. Khi chợ Hóc Môn tạm đóng cửa, chị phải bán tháo hàng hóa ở các chợ như Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức để vớt vát chút vốn liếng. Khi chợ đóng cửa, hơn 20 nhân công của chị cũng vì thế mà không có thu nhập.
“Năm nay là năm khó khăn nhất so với những đợt dịch trước. Mình chỉ mong sao hết dịch, chợ được mở lại sớm và các tiểu thương đều mong nếu giảm được thuế môn bài, hoa chi và giá thuê mặt bằng giảm được 2-3 tháng để có thể giúp các tiểu thương khắc phục được những khó khăn này”, chị My bày tỏ.
Các chợ truyền thống tại TP.HCM những ngày này không còn cảnh xe đẩy đầy ắp hàng vào sáng sớm, hay ki-ốt nhộn nhịp kẻ bán người mua... Thay vào đó là dây giăng khắp nơi, chỉ có lác đác người qua lại. Nhiều sạp hàng cửa đóng then cài, chưa biết đến bao giờ mới trở lại như trước.
Tính đến nay, TP.HCM đã có hơn 100 trên tổng số 234 chợ truyền thống phải dừng hoạt động. Nhiều tiểu thương gắn với công việc buôn bán hàng ngày tại chợ truyền thống thì nay cũng phải tạm thời chuyển hướng kinh doanh hoặc tìm cách duy trì để có chút thu nhập. Bà con tiểu thương chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát và Nhà nước sẽ hỗ trợ phần nào các khoản thuế, phí để họ có thể sớm vượt qua giai đoạn khó khăn./.