Bộ Y tế vừa ban hành 2 thông tư 13 và 14, điều chỉnh cùng lúc giá dịch vụ khám chữa bệnh có BHYT và giá khám chữa bệnh ngoài phạm vi thanh toán BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên phạm vi cả nước.
2 thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT có hiệu lực từ 30/11/2018.
Theo đó, từ 20/8 tới, trên 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá, với mức từ 2-10%.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, giá khám bệnh BHYT lên mức từ 27.500 - 38.700 đồng/lần khám tùy từng hạng bệnh viện. Mức giá này trước đây dao động từ 26.000 - 37.000 đồng/lần khám.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt, thay vì mức 753.000 đồng/ngày như quy định cũ. Đối với bệnh viện hạng 1 tăng lên 705.000 đồng/ngày và hạng 2 là 602.000 đồng/ngày.
Các dịch vụ đắt tiền như chụp PET/CT chưa gồm thuốc cản quang tăng thêm gần 50.000 đồng lên mức từ 19.770.000 đồng.
Theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT, người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh trước thời điểm ngày 20-8-2019 và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày 20-8-2019 tiếp tục áp dụng mức giá hiện hành cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước, BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT (mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2019 là 1.490.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng). Mức lương cơ sở này dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định, tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.