Đặt vé, chưa bay nhưng taxi đã có số ĐTDĐ và tên
Theo đơn tố cáo gửi đến báo Kinh tế và Đô thị, ông Đồng khẳng định VietJet nhiều lần xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân vì mục đích thương mại khi chưa có sự cho phép của ông Đồng.
Theo đó, vào ngày 14/3 ông Đồng đã đặt vé cho vợ, em gái và con trai trên ứng dụng VietJet Air của Hãng VietJet và nhận được các thông tin: trạng thái đặt chỗ, ngày đặt (14/3), họ tên, số ĐTDĐ, số vé, chuyến bay, ngày bay (19/3), loại vé, khởi hành (20 giờ 40 phút – Hà Nội), giờ đến (22 giờ 50 phút – TP Hồ Chí Minh). Thế nhưng ngày 17/3 đến trước giờ bay vào tối 19/3, số ĐTDĐ của ông Đồng nhận trên 20 tin nhắn, cuộc gọi của các hãng xe taxi ở Hà Nội!
Đến ngày 22/3, gia đình ông Đồng từ TP Hồ Chí Minh bay trở ra Hà Nội trên chuyến bay VJ194/Airbus 321 (đổi từ chuyến bay VJ162/Airbus 319, bị trễ chuyến do nhân viên phục vụ mặt đất của VietJet không hướng dẫn cụ thể về tờ khai y tế), cũng nhận hơn 10 tin nhắn của các hãng taxi tại Hà Nội, trong khi gia đình ông Đồng không có nhu cầu gọi xe.
Hàng loạt số ĐTDĐ lạ đã gọi, nhắn tin mời ông Ngô Nguyên Đồng đặt xe taxi (từ nhà ra sân bay Nội Bài và ngược lại), dù ông Đồng không có nhu cầu!
Chưa dừng lại đó, vào ngày 2/5 ông Đồng đặt vé khứ hồi Hà Nội–TP Hồ Chí Minh bay vào tối 8/5 và quay lại vào sáng 12/5 cũng bằng hãng VietJet thì từ ngày 7/5 đến sáng sớm 12/5, điện thoại của ông Đồng nhận gần 20 tin nhắn, cuộc gọi từ các hãng “M-car”', “Xe Noi Bai Mcar”…, liên tục điện thoại, nhắn tin giới thiệu đặt xe đưa đón sân bay Nội Bài của taxi từ Hà Nội!
Từ việc bị lộ thông tin cá nhân, ông Đồng thắc mắc: “Hãng máy bay VietJet chịu trách nhiệm thế nào trong việc lộ bí mật thông tin khách hàng? Tôi và các khách hàng khác của VietJet đều đã trả tiền cho dịch vụ mình sử dụng nhưng chúng tôi vẫn bị VietJet khinh thường, khi họ bất chấp kinh doanh các thông tin cá nhân (tên, e-Mail, số ĐTDĐ…). Tình trạng mua bán những thông tin cá nhân của VietJet hẳn đã diễn ra từ lâu. Phải chăng việc bán thông tin của khách hàng đem lại cho VietJet khoản lợi nhuận lớn nên họ bất chấp việc gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người”.
VietJet có bán thông tin khách hàng?
Cũng theo ông Đồng, việc bị lộ số ĐTDĐ, tên…, dẫn đến thường xuyên bị tin nhắn “rác”, cuộc gọi từ nhiều số máy lạ, nhất là gần ngày khởi hành với nội dung chủ yếu “đặt xe Nội Bài”. Họ nhắn, gọi bất kể ngày đêm, từ giờ họp, lúc đang nghỉ trưa, thậm chí cả buổi tối..., không cần biết người nhận có nhu cầu hay không? Các thuê bao cứ liên tục gửi tin, điện thoại đến theo kiểu “dội bom” gây bức xúc cho người nhận.
Hàng loạt số ĐTDĐ lạ đã gọi, nhắn tin mời ông Ngô Nguyên Đồng đặt xe taxi (từ nhà ra sân bay Nội Bài và ngược lại), dù ông Đồng không có nhu cầu!
“Ngày 15/4, tôi nhận được thư phúc đáp của Viet Jet do bà Nguyen Thi Vinh Phuc (Maria) đại diện. Tuy nhiên bà đại diện chỉ trả lời chung chung, không đi vào cụ thể, như: Hãng thực sự rất tiếc; Viet Jet cam kết tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối thông tin cá nhân của khách hàng. Tôi không đưa hành trình du lịch cho các hãng xe taxi, thế nhưng trong lúc VietJet trả lời kiểu ỡm ờ, thì họ tiếp tục sử dụng thông tin cá nhân của tôi để bán cho bên thứ 3, khi không có sự đồng ý của tôi. Bởi bên mua thông tin (bên thứ ba) cá nhân của khách hàng từ VietJet biết được chính xác ngày, giờ, số lượng người đi/lại thuộc hành trình du lịch đã đặt. Bên cạnh đó, việc mời chào của bên thứ ba chỉ xảy ra/diễn ra ở TP Hà Nội. Tại sao bên thứ ba có được các thông tin cá nhân của khách hàng khi họ chỉ thực hiện giao dịch thương mại điện tử trên ứng dụng VietJet Air”, ông Đồng bức xúc nêu thắc mắc.
Cũng theo ông Đồng, ông tố cáo nhằm yêu cầu VietJet phải phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ người hoặc phòng/ban nào đã bán thông tin khách hàng cho bên thứ 3, và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về kế hoạch, chi tiết với thời gian rõ ràng, cụ thể của việc điều tra. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người, phòng/ban nào đã bán thông tin của khách hàng để xử lý, xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết tại điều 21 Hiến pháp 2013, quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Hàng loạt số ĐTDĐ lạ đã gọi, nhắn tin mời ông Ngô Nguyên Đồng đặt xe taxi (từ nhà ra sân bay Nội Bài và ngược lại), dù ông Đồng không có nhu cầu!
Bán thông tin cá nhân, gây hại sẽ bị phạt tiền và tù
Theo luật sư Ánh, trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội, tại điều 387 về “Thông tin trong giao kết hợp đồng”, đã quy định: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết; Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác; Bên vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, ngoài ra tại điều 288 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, nghiêm cấm việc mua bán thông tin cá nhân của người khác với bất kỳ mục đích gì vì vi phạm pháp luật. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30–200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
“Ngoài ra tại khoản 2 điều 288 BLHS 2015 còn quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Dẫn đến biểu tình. Và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”, luật sư Trần Thị Ánh, nói.