Tác động của lạm phát kinh tế tại nhiều quốc gia, xung đột quân sự tại một số khu vực trên thế giới, trong đó rơi vào các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã khiến hoạt động sản xuất - xuất khẩu của một số ngành hàng dịp cuối năm kém sôi động.
Tổng hòa khó khăn
Hiện nay, phần lớn DN dệt may đang trong tình trạng “đói đơn hàng”, chỉ số ít DN uy tín, bảo đảm chất lượng, thời gian cung ứng sản phẩm tốt mới duy trì được ổn định sản xuất. Thiếu đơn hàng và giá trị xuất khẩu giảm sâu đang khiến nhiều DN dệt may khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động.
Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng nhận xét, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Nhưng từ tháng 7/2022 tới nay, các DN đang rất khó khăn, nhiều DN dệt may ở khu vực TP.HCM đang sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung vào thị trường Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
"Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40 - 50%. Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021, song các đơn hàng bị thiếu do đối tác dịch chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi,...", ông Hồng cho biết.
Nhận định về tình hình hiện nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại một số quốc gia; việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu; lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá đang khiến nhiều DN xuất khẩu hàng gặp khó khăn trong sản xuất.
“Sức mua toàn cầu giảm, khiến đơn hàng của ngành dệt may trong tháng quý IV/2022 và quý I/2023 giảm bình quân từ 20-27% so với cùng kỳ. Song tỷ lệ này được đánh giá còn thấp hơn so với ngành da giày, gỗ...”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cũng chia sẻ, ngành da giày đang tồn kho lớn do việc gián đoạn nguồn cung ứng, giảm nhu cầu tiêu dùng. Để ứng phó tình trạng trên, các DN buộc phải giảm thời gian sản xuất; đồng thời đàm phán với đối tác để sử dụng lại những đơn hàng trong thời gian dịch bệnh, nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Cùng cảnh khó khăn với dệt may và da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng xác nhận, nhiều DN trong ngành đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD. Mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 khó đạt khi đơn hàng liên tục giảm.
Đề cao vai trò của DN dẫn dắt
Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu, đáp ứng nguồn vốn cho đổi mới công nghệ là những giải pháp của hầu hết các DN khối công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay.
Theo ông Vũ Đức Giang, từ việc nhiều DN dệt may gặp khó khăn về vốn, ngành dệt may có kiến nghị gửi Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho DN; đề nghị Chính phủ tiếp tục có hỗ trợ nguồn tài chính cho DN vay với lãi suất thấp để DN duy trì giữ ổn định lao động. “Một số ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn, giải quyết việc làm cho người lao động cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho DN”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.
Phương án tối ưu hơn là thúc đẩy các DN tận dụng triệt để các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Với 17 FTA hiện có đã mở ra nhiều cơ hội, song đến nay các DN còn bỏ lỡ khiến hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần tại thị trường EU khi tham gia Hiệp định EVFTA.
Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU nói riêng, cũng như các thị trường Việt Nam có FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần chuyển hoạt động xúc tiến thương mại từ đơn lẻ sản phẩm sang xúc tiến thương mại cho cả ngành hàng. “Hiện một số thương vụ của Việt Nam đang làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho nhiều DN khác được hưởng lợi”, theo bà Trang.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, dư địa để các DN Việt Nam tận dụng lợi thế từ Hiệp định UKVFTA cho xuất khẩu hàng hóa vào Vương quốc Anh còn rất lớn, khi giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu của Vương quốc Anh trong năm 2021.
Do đó ông Khanh đề xuất, lúc này cần giải quyết vấn đề về cung cấp và chia sẻ thông tin từ các DN đã xuất khẩu thành công sang các thị trường FTA, nhờ họ chia sẻ cách làm, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm, từ đó tạo động lực dẫn dắt các DN khác. Đặc biệt, mỗi tỉnh, thành phố nên xác định chỉ nên có 1 đến 2 ngành hàng trọng tâm và cùng đồng hành với DN, kết nối đầu ra cho DN./.