Chiều 6-8, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại TP HCM.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 với chủ đề "Thay đổi để bứt phá" được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A đang đứng trước một lực hút lớn cho dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A; việc thực thi và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đánh giá hoạt động M&A đã đóng vai trò tích cực vào quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Số lượng thương vụ thành công ngày càng nhiều, tổng giá trị thương vụ M&A trong 10 năm qua đạt khoảng 55 tỉ USD.

"Nhiều thương vụ có giá trị rất cao, được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã, sắp ký kết tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá" - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận xét.

 

Habeco, Vinamilk... là mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn Mỹ, châu Âu - Ảnh 1.
 

Dự kiến năm nay, giá trị thương vụ M&A có thể đạt gần 7,6 tỉ USD. Ảnh: Linh Anh

 

Theo số liệu được công bố tại diễn đàn, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 5,43 tỉ USD. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể gần 7,6 tỉ USD. Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản, logistics, thương mại điện tử và bán lẻ.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống sẽ có nhiều triển vọng khi tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư, nhờ tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa. Những doanh nghiệp có tiếng trong nước như Habeco, Vinamilk vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu và Thái Lan.

 

Habeco, Vinamilk... là mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn Mỹ, châu Âu - Ảnh 2.
 

Saigon Co.op chính thức ký kết hợp đồng nhận chuyển giao hoạt động của hệ thống siêu thị Auchan Việt Nam từ Tập đoàn Auchan (Pháp) mới đây.

 

M&A bất động sản cũng đang thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài - điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore - đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.

Nếu muốn thị trường bứt phá, phải có những thương vụ lớn để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, như trường hợp Sabeco, Vinamilk, Vinaconex… Trên thực tế, thời gian qua, đã có những trở ngại từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam và tư duy đón nhận dòng vốn từ các nhà đầu tư của các chủ doanh nghiệp vẫn còn nhiều ngần ngại.

Do đó, các chuyên gia cho rằng nhà nước cần quyết tâm tháo gỡ các rào cản pháp lý và áp dụng chính sách nới lỏng để hỗ trợ hoạt động M&A trong thời gian tới như nới "room" vốn ngoại; giảm số lượng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; xử lý những vướng mắc về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định trong Luật Đầu tư.

 

Thái Phương/NLĐ