Sức mua tại các chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn TP HCM trong ngày 20-6 tăng mạnh so với những ngày trước. Dù vậy, trong ngày đầu tiên TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10, đã không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi chợ, siêu thị và hoạt động mua sắm diễn ra có trật tự.
Tiêu thụ thực phẩm tại chợ, siêu thị tăng tới 30%
Sáng 20-6, bãi đậu xe MM Mega Market gần kín chỗ, lượng xe máy đặc biệt nhiều so với những ngày trước. "Thông thường siêu thị đón nhiều khách đi ôtô, họ mua số lượng lớn để tiêu dùng trong dài ngày. Hôm nay lượng khách đi ôtô có tăng nhưng khách đi xe máy đặc biệt tăng cao, khả năng khách chuyển từ các chợ tự phát (đã đóng cửa) sang siêu thị" - đại diện MM Mega Market cho hay.
Siêu thị, cửa hàng chuẩn bị đầy ắp hàng để phục vụ người dân trong đợt giãn cách theo Chỉ thị 10 .Ảnh: THANH NHÂN
Bên trong siêu thị, khu vực bày bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gạo, bánh kẹo, nước uống… tập trung nhiều khách chọn hàng. Ai cũng chú ý giữ khoảng cách an toàn, tranh thủ chọn hàng nhanh và hạn chế giao tiếp tối đa rồi tiến hành thanh toán, rời siêu thị.
Các siêu thị tại TP HCM như MM Mega Market, Big C, LOTTE Mart, Co.opmart… ghi nhận sức mua bắt đầu tăng mạnh từ tối 19-6 nhưng không đến mức quá tải, chen lấn mua hàng như những thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội trước đây. Riêng trong ngày 20-6, mức tăng khoảng 25%-30% so với ngày hôm trước. Tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… lượng khách mua sắm tăng khoảng 30% trong đêm 19 nhưng đến sáng 20-6, lượng khách đã trở lại bình thường, chỉ một số khu vực tiếp tục duy trì lượng khách tăng. "Tuy lượng khách trực tiếp đến siêu thị mua sắm không tăng đột biến nhưng lượng đặt hàng qua điện thoại, đặt hàng online tăng gấp 3 lần so với ngày 19-6" - đại diện Saigon Co.op cho hay.
Đến chiều 20-6, các siêu thị tiếp tục bổ sung hàng hóa là thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm lên quầy kệ. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op đã chủ động bổ sung lượng rau củ quả tăng 30%-40% ngày thường, tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu tại kho trung tâm lẫn kho siêu thị và đẩy mạnh giảm giá khuyến mãi nhiều mặt hàng thực phẩm trong ngày 20-6 lẫn các ngày tới. Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng Phòng Marketing hệ thống MM Mega Market, cũng cho biết đã huy động các nhà cung cấp nông sản Đà Lạt tăng sản lượng thu hoạch, vận chuyển về TP HCM; luân chuyển nhanh một số nhóm hàng từ các siêu thị ở Cần Thơ, Đồng Nai tăng cường cho các siêu thị tại TP HCM. "Hàng hóa đủ để cung cấp cho người dân TP trong nhiều ngày, tâm lý người dân cũng vững vàng hơn" - ông Khôi nói.
Không chỉ đến siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng cũng tăng mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, một phần do TP đã giải tán các chợ tự phát. Ban quản lý một số chợ loại 1, loại 2 cho hay sức mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá tăng 15%-20% so với những ngày trước do thông tin liên quan Chỉ thị 10, người dân có xu hướng tăng mua thực phẩm để dự trữ. Dù vậy, sức mua chung của chợ giảm khoảng 15%-40% so với thời điểm chưa bùng dịch. Chẳng hạn, chợ Tân Định (quận 1) chỉ sôi động ở đường Mã Lò, khu vực kinh doanh hàng tươi sống có 2 chốt bảo vệ để chặn xe máy đi vào chợ và đo thân nhiệt cho người dân.
Còn tại chợ đầu mối, trong đêm 19 rạng sáng 20-6, lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đạt 8.356,6 tấn/ngày đêm, tăng 5,5% so với ngày hôm trước. Trong đó, trừ nhóm mặt hàng thủy hải sản về chợ giảm 9,5% còn mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả, trái cây đều tăng trên dưới 7% nên hàng hóa dồi dào.
Bảo đảm cung ứng hàng trong mọi tình huống
Việc giữ ổn định sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa tại TP HCM không chỉ quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP mà còn liên quan trực tiếp đến DN, nông dân nhiều tỉnh, thành khác. Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị ngành công thương TP quyết liệt hơn để bảo đảm môi trường sản xuất an toàn và cung ứng hàng hóa cho người dân TP HCM trong mọi tình huống.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp lần này, bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương TP tiếp tục triển khai chương trình hành động theo các kịch bản đã chuẩn bị sẵn, dự báo đúng tình hình để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân, nhất là người trong khu cách ly và chú ý truyền thông để người dân yên tâm. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn DN, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn trong đại dịch; chỉ đạo hướng dẫn DN xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi có người lao động là F0, F1, F2… để không lúng túng trong mọi tình huống.
Theo Sở Công Thương, việc bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân TP được liên tục, xuyên suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung, tạo khan hiếm hàng hóa cục bộ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này. Vì vậy, sở đã làm việc với 22 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ để trao đổi thông tin, dự báo tình hình thị trường, thống nhất giải pháp hỗ trợ bảo đảm lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành. Sở cũng thường xuyên làm việc với các hệ thống phân phối, DN bình ổn thị trường để nắm tình hình nguồn cung ứng hàng hóa; kịp thời triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa, xây dựng phương án bảo đảm nguồn hàng hóa ứng với các tình huống diễn biến dịch bệnh và thực hiện giữ giá bán thực phẩm thiết yếu đến hết năm 2021.
"Hiện tại, số liệu từ các chợ, siêu thị cho thấy nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại chợ, siêu thị, cửa hàng… rất dồi dào, chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các DN còn triển khai chương trình bán hàng lưu động, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các khu vực có điểm bán lẻ tạm dừng hoạt động do có ca nghi nhiễm Covid-19 đến tham quan, mua sắm" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin. Cũng theo ông Phương, các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ, siêu thị, DN sản xuất, kinh doanh… đã được ban hành đầy đủ, việc của từng đơn vị là tổ chức thực hiện nghiêm để góp phần chống dịch, ổn định tình hình.
Dẹp chợ tự phát: Nơi siết chặt, nơi lơ là
Sáng 20-6, tại chợ tự phát hẻm 54 Vũ Huy Tấn (phường 3, quận Bình Thạnh), lực lượng chức năng đã giăng dây cấm họp chợ và phát loa tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Tương tự, chợ tự phát dọc đường Trần Khắc Chân (đoạn gần đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1) cũng không còn cảnh hàng tươi sống bày la liệt 2 bên vỉa hè. Xe của lực lượng chức năng phường liên tục đi tuần nhắc nhở nên tình hình chấp hành của người dân khá tốt.
Trái với các chợ trên, tại chợ tự phát đường Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), tình hình mua bán vẫn sôi động, đặc biệt là các sạp rau củ quả "xổ rẻ". Nhiều người tranh thủ mua bầu, bí, cà rốt, củ cải trắng giá dưới 15.000 đồng/kg để trữ ăn dần nhằm giảm số lần đi chợ trong những ngày sắp tới.
Cần thống nhất về điều kiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương
Trước phản ánh của nhiều DN về tình trạng một số tỉnh, thành áp dụng cách ly 21 ngày đối với tài xế, nhân viên giao hàng trở về từ TP và yêu cầu tài xế xe chở hàng từ TP HCM về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng có tỉnh chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ, có tỉnh chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong 36 giờ, thậm chí 24 giờ, Sở Công Thương TP HCM cho biết sẽ tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh, thành để thông tin rõ tình hình, đồng thời đề nghị có giải pháp phối hợp tháo gỡ để bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, đề xuất các bộ, ngành ban hành hướng dẫn các quy định về điều kiện tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong điều kiện Covid-19 để các địa phương áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ nhằm bảo đảm chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa không bị đứt gãy và tạo điều kiện tốt nhất để tiêu thụ nông sản, hàng hóa của các địa phương.
P.An