Giá vàng thế giới đang chịu tác động của tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá sản xuất (PPI) Mỹ tháng 10 thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt 8% so với mức 8,3% dự kiến.
Giá vàng đã tăng hơn 160 USD/ounce kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng vào đầu tháng này, khi số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng và có những dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, đưa đến hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, từ đó khiến đồng USD giảm mạnh.
Kim loại quý có thể lấy lại động lực từ sự sụt giảm của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Đồng USD giảm mạnh 0,6%, xuống mức thấp nhất trong ba tháng so với rổ các đồng tiền mạnh, khiến vàng hấp dẫn hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm hiện đang ở mức 3,783%. Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm.
Thị trường hôm nay cũng chứng kiến giá dầu thô Nymex yếu hơn và giao dịch quanh mức 85,25 USD/thùng.
Diễn biến giá vàng hôm nay
+ Giá vàng trong nước
Lúc 15h chiều 16/11, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,7 - 54,7 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới chiều nay đứng ở ngưỡng 1.777 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 đứng ở ngưỡng 1.778 USD/ounce.
Giá vàng trên thị trường quốc tế trở lại với xu hướng tăng sau một đợt bán chốt lời khá ngắn và thị trường tài chính thế giới chao đảo. USD có dấu hiệu suy yếu trong bối cảnh lạm phát Mỹ hạ nhiệt.
Trong tuần trước, vàng đã chứng kiến một cú bứt phá mạnh từ dưới ngưỡng 1.700 USD lên quanh 1.740 USD/ounce sau khi Mỹ công bố lạm phát suy giảm nhanh và USD giảm giá. Lạm phát tháng 10 của Mỹ tăng 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 8,2% ghi nhận trong tháng 9 và xa dần kỷ lục 9,1% ghi nhận trong tháng 6.
Ngay sau đó, nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cân nhắc việc giảm mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Vàng tăng giá còn do dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn giữa lúc thị trường tiền số thế giới chao đảo với vụ sụp đổ thứ hai là sàn FTX, sau vụ sụp đổ của đồng Luna và hệ sinh thái Terra hồi tháng 5.
Một số đánh giá cho rằng niềm tin vào thị trường tiền số giảm mạnh sau vụ sụp đổ này.
Đồng Bitcoin được dự báo có thể rớt về mức 10.000 USD/BTC từ mức 16.700 USD/BTC hiện tại. Trước đó, hồi tháng 11/2021 đồng Bitcoin từng lên mức 64.200 USD/BTC.
Dự báo giá vàng
Về mặt kỹ thuật, những người đầu cơ giá lên và giá xuống của hợp đồng tương lai vàng đang ở trên một sân chơi kỹ thuật ngắn hạn có tổng thể ngang bằng, nhưng những người đầu cơ giá lên có động lực hơn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc ở 1.800 USD/ounce.
Đà tăng mới của vàng không chỉ là sự định giá lại thị trường kỹ thuật. Theo một nhà phân tích thị trường, khả năng duy trì các mức hỗ trợ quan trọng mới của kim loại quý có thể cho thấy sự thay đổi cơ bản trong dài hạn về giá.
Chuyên gia phân tích Lukman Otunuga của FXTM nhận định, "một đợt tăng vững chắc trên mức 1.770 USD có thể thúc đẩy vàng hướng tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.800 USD".
Trong một lưu ý gần đây cho khách hàng, Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại tại MKS PAMP, cho biết yếu tố lớn nhất hỗ trợ xu hướng tăng mới của vàng là thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách tiền tệ của Fed. Mặc dù Fed sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất cho đến đầu năm 2023 nhưng tốc độ dự kiến chậm lại. Đồng thời, áp lực lạm phát sẽ vẫn tăng cao.
Theo chuyên gia Nicky Shiels, mặc dù con đường của vàng sẽ không phải là một đường thẳng tới 1.800 USD/ounce nhưng mục tiêu đó đang bắt đầu thành hiện thực. Giá vàng đã cố gắng duy trì mức tăng của tuần trước - diễn biến tốt nhất trong khoảng hai năm qua.
Theo VTC