Giá vàng lao dốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.755 USD/ounce, giảm hơn 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng thế giới sáng nay tiếp tục giảm nhẹ do lợi suất trái phiếu Eurozone tăng cao trong phiên 17/9. Trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng 2 điểm cơ bản lên âm 0,288%, mức cao nhất trong 2 tháng qua là âm 0,283%.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu áp lực mạnh bởi thông tin kinh tế từ Mỹ và châu Âu. Đầu tuần, giá vàng vẫn chịu tác động do các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương (ECB) dự kiến sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu vào cuối năm 2021.
Vào giữa tuần, thông tin kinh tế trái chiều đã khiến vàng đảo chiều liên tục. Tuy nhiên, chỉ có 1 phiên tăng giá khi chỉ số CPI của Mỹ không đạt như mong đợi, còn 3 phiên cuối tuần vàng đã bị bán tháo bởi dữ liệu sản xuất tại bang New York, doanh số bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đầy tích cực so với dự báo.
Thông tin này đã giúp đồng USD và lợi tức trái phiên tăng vọt, khiến giới đầu tư bán tháo vàng để nắm giữ tiền cũng như chuyển kênh đầu tư.
Chốt tuần, giá vàng thế giới đã giảm 31 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. Tuy nhiên, so với mức giá cao nhất tuần là 1.805 USD thì giá vàng thế giới đã để mất 50 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng trên thị trường quốc biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Tuy nhiên, giá vàng tại doanh nghiệp trong nước chỉ điều chỉnh có 2 phiên, hôm qua và sáng nay. Phần lớn các đơn vị niêm yết ngang giá so với chốt phiên trước. Điều quan trọng là các đơn vị đều nới rộng biên độ chênh lệch giá mua và bán lên ở mức từ 1 - 2 triệu đồng. Vào sáng qua, vàng SJC trên thị trường tự do giảm mạnh xuống dưới mức 57 triệu, nhưng vàng SJC trong các doanh nghiệp vẫn ở mức rất cao.
Chốt tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do mất 650.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji, giá vàng SJC chỉ giảm 150.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giảm 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia cho rằng, sự tăng giảm giá vàng trong nước hiện nay khó đoán định. Do đó, không nên đầu tư khi chênh lệch giá 2 chiều mua – bán quá lớn sẽ không thu được lợi nhuận.
Ảnh minh họa. Ảnh: Daidoanket.vn
Hà Nội: Giá thịt heo tiếp tục giảm 10.000 đồng/kg
Khảo sát một số chợ dân sinh cho thấy, sau trời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, giá thực phẩm, rau xanh tại Hà Nội nhiều loại giảm mạnh.
Cụ thể, giá thịt heo đã giảm tiếp thêm 10.000 đồng/kg, loại ngon nhất như sườn, ba chỉ, nạc vai, thịt đầu giòn… bán ra ở mức 150.000 đồng/kg.
“Giảm nhiều nhất là các loại thịt thăn, sấn, xương. Mức giảm trên 10.000 đồng/kg tùy tình hình chợ. Thịt sấn, thăn bán lẻ tại chợ hiện nay giá chỉ từ 110.000 đồng/kg” - anh Trần Văn Đê (Mê Linh - Hà Nội), cho hay.
Theo các thương nhân, hiện nay, giá heo hơi tại nhiều tỉnh đã rời ngưỡng 50.000 đồng/kg. Trong đó, heo hơi tại các tỉnh phía Bắc có giá thấp nhất: Bắc Giang, Phú Thọ ở mức 47.000 đồng/kg; các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thái Bình giá heo hơi ở mức 49.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi dao động trong khoảng từ 48.000 - 52.000 đồng/kg. Còn giá heo hơi tại miền Nam được thu mua từ 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá các loại thủy sản, hải sản, thịt gia súc, gia cầm cũng giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Giá rau xanh các loại cũng giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước.
Lý giải nguyên nhân giá thực phẩm giảm, các tiểu thương cho biết: Do nguồn cung dồi dào, sức mua chậm bởi các bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy đóng cửa thực hiện giãn cách. Ngoài ra, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gần đây đã được cải thiện nhiều hơn, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa.
Giá cua biển tăng 100.000 đồng/kg
Sau một thời gian giảm thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cua biển tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại từ 40.000 - 100.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần.
Cụ thể, tại nhiều tỉnh ven biển như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau..., giá cua biển (cua y) được nông dân bán ra ở mức 180.000 - 220.000 đồng/kg (trong khi trước đó chỉ có giá 140.000 - 150.000 đồng/kg). Còn cua gạch son tại nhiều nơi hiện có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg (trước đó chỉ 200.000 - 250.000 đồng/kg).
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cua biển không được xuất khẩu mạnh sang các nước, nhất là theo đường tiểu ngạch nên giá vẫn còn khá thấp so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, người nuôi đã phấn khởi khi giá cả đầu ra khởi sắc trở lại. Hiện tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh đang dần được kiểm soát tốt và nhiều nơi đã nới lỏng việc giãn cách xã hội, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và tiêu thụ cua biển. Ngoài ra, giá cua biển tăng còn do nguồn cũng giảm vì thời điểm này lượng cua tới lứa thu hoạch không nhiều, cũng như nông dân chưa vội bán vì muốn neo cua lại nuôi đạt trọng lớn hơn để bán được giá cao.
Nhiều địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh và hoạt động thu mua tôm phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước được đẩy mạnh, giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng trở lại ít nhất từ 2.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được nông dân bán với giá 72.000 - 78.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 100.000 - 108.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 125.000 - 132.000 đồng/kg. Hiện nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu tôm, dự báo tôm thẻ sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Giá mít Thái tăng trở lại
Những ngày gần đây, nhiều thương lái đã săn lùng tại nhiều vườn mít ở Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… để mua mít Thái. Với mức giá 34.000 - 42.000 đồng/kg, hiện mít được đánh giá là loại trái cây cho thu nhập cao nhất trong 11 loại trái cây đặc sản chủ lực tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trái mít cho biết, giá mít tăng do vào thời điểm này cuối vụ, sản lượng thấp; trong khi đó nhiều doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" cần nguồn nguyên liệu mít phục vụ chế biến xuất khẩu.
Trước đó, hồi tháng 3, tháng 4/2020, phía Trung Quốc không "ăn hàng" nên giá mít Thái giảm mạnh. Đến nay, giá mít tăng trở lại khiến nhiều nhà vườn rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Công (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), một thương lái thu mua mít Thái, cho hay trên Người lao động: "Hiện thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao về mít Thái nên đẩy giá mít trong nước tăng lên. Tôi đi thu mua mít ở Vĩnh Long, Cần Thơ, mỗi ngày được khoảng vài trăm ký. Với giá bán 34.000 đồng/kg, nhà vườn trồng mít Thái có lời khoảng 20 triệu đồng/tấn".
Nông dân Nguyễn Văn Nhã (ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có 2,2 ha mít Thái siêu sớm đang thu hoạch cho biết, mỗi tháng ông thu hoạch 4 lần. Mỗi lần thu hoạch khoảng 500kg, bán thu vào bình quân 10 triệu đồng.
Hiện nay, mít Thái đang trở lại đợt tăng giá mạnh nên hộ dân trồng mít như gia đình ông rất phấn khởi. Theo ông Nhã, giá mít tăng mạnh trở lại do nhu cầu thị trường cao trong khi nguồn cung còn ít, nhiều nhà vườn chưa tới đợt thu hoạch mới. Trong các năm qua, nhờ vườn mít Thái mà gia đình ông đã thoát nghèo và dựng nên cơ nghiệp bền vững.
Tỉnh Tiền Giang là một trong số các địa phương có diện tích cây mít dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 6.000 ha. Đa số nhà vườn chọn trồng cây mít giống Thái siêu sớm. Loại mít này có ưu điểm dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao, cho thu hoạch rải vụ gần như quanh năm và đầu ra thuận lợi nên được nông dân chọn đưa vào cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhà vườn địa phương cho biết, sau khi trồng gần 3 năm, cây mít đã cho trái; với mức giá 20.000 đồng/kg trở lên, người trồng loại cây này đã có lãi.
Do giá mít Thái tăng từ nhà vườn nên ở các điểm bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh, mít Thái ít hơn và giá cũng tăng hơn trước, giá mít xẻ miếng đang ở mức 30.000 đồng/kg - tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Cách đây khoảng 2 tháng, khi miền Tây rộ mùa mít, giá mít xẻ tại TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo tieudung.vn