Bác sỹ Trịnh Quang Anh - Trưởng trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A (TP.HCM) - cho biết, hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Đáng chú ý, số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số.
Theo BS Quang Anh, có đến 80 - 85% trường hợp bị cong, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.
Bệnh nhân nữ V.L.A. (19 tuổi) bị cong vẹo lưng năm lớp 7, được gia đình đưa đi điều trị ở bệnh viện quê. Bệnh nhân A. được chẩn đoán vẹo cột sống nặng, nhưng không điều trị.
Bệnh nhân A. thường xuyên bị đau, mỏi vùng lưng, khó thở và không thể leo cầu thang được. Vì quá tự ti về ngoại hình của mình, sau khi lên TP.HCM học ĐH, bệnh nhân đã đến bệnh viện để thăm, khám và điều trị.
Bệnh nhân được chẩn đoán vẹo cột sống ngực thắt lưng nặng, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ. Ngoài ra còn giảm độ ưỡn sinh lý cột sống; các đốt sống ngực đã biến dạng, điều trị bảo tồn không thể trả lại hình dạng ban đầu.
Sau 12 buổi tập, tình trạng đau mỏi lưng được cải thiện rõ ràng. Bệnh nhân có thể leo cầu thang, không còn cảm thấy khó thở nhiều như trước đây.
Cũng mắc bệnh tương tự, bệnh nhân nam L.Đ. (18 tuổi) phát hiện cong vẹo cột sống năm 13 tuổi sau khi đi khám tại bệnh viện tại TP.HCM. Bệnh nhân Đ. được điều trị mang áo nẹp nhưng không điều trị thêm, không khắc phục được hoàn toàn.
Đầu tháng 6/2023, do thể chất ngày càng yếu nên bệnh nhân Đ. quyết định đến bệnh viện thăm, khám. Bệnh nhân Đ. được chẩn đoán lâm sàng biến đổi nghiêm trọng vai trái lệch cao gần 5cm, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S, nặng nhất tại ngực. Ngoài ra, bệnh nhân còn lệch vẹo khung chậu, vẹo cột sống đoạn ngực chữ S rất nặng.
Do sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bệnh nhân được điều trị giãn cơ vùng cổ vai gáy và tăng cường chức năng hô hấp. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân thấy bớt hẳn, sau thi cử sẽ tập trung điều trị cong vẹo cột sống.
Theo BS Quang Anh, gù là cột sống bị cong ra sau quá mức theo mặt phẳng trước sau và theo định nghĩa có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên, góc gù càng lớn thì càng nghiêm trọng.
Các dị tật này rất nguy hiểm, thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh của trẻ và trước tuổi dậy thì; các phía đốt sống bị chèn ép và chịu lực không phát triển so với phí bên kia, dẫn đến biến dạng đốt sống, biến dạng cột sống, biến dạng lồng ngực, thay đổi hình thể và dáng đi.
Một số trường hợp các đốt sống xoay theo mặt phẳng ngang, tùy vị trí cao thấp gây biến dạng hình thể thân trên và lồng ngực hoặc xoay khung chậu thay đổi dáng đi. Các trường hợp phức tạp bao gồm đủ cả gù, vẹo và xoay cột sống.
Nếu nhẹ hơn bệnh có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, tránh được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.
Nếu phụ huynh thấy trẻ có dấu hiệu vẹo cột sống thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm, khám. Tránh việc điều trị tại nhà, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, khó điều trị hoặc có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
"Việc phát hiện cong vẹo cột sống ở trẻ sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng. Giảm tình trạng biến dạng nặng cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng các cháu", BS Quang Anh nói.