Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dệt may, chế biến gỗ... Trong thời điểm hiện nay, các DN đang dần phục hồi sản xuất trở lại, việc chủ động nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, phục vụ cho những đơn hàng lớn đang bài toán cần có lời giải cho nhiều DN.
Nguyên liệu phải có tính tái chế cao
Ở lĩnh vực dệt may, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do phụ thuộc vào nhập khẩu, nhiều DN trong ngành đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đơn vị cung cấp trong nước để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA. Đồng thời, linh hoạt trong công tác điều hành xuất nhập khẩu trong khâu vận chuyển (tàu biển, đường bộ, hàng không…) để luôn đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và tạo được uy tín lớn với khách hàng.
Nhằm duy trì DN phát triển bền vững đơn vị đầu ngành, có uy tín trên các thị trường, những năm qua Công ty CP May 10 luôn thực hiện chương trình xanh hoá đối với sản phẩm may mặc. May 10 luôn vừa phải tiến đến những xu thế của thế giới, vừa chịu áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho biết, toàn bộ hệ thống của nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu hiện nay đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguồn nguyên liệu xanh.
“Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu sản phẩm của May 10 phải sử dụng nguyên liệu vải có tính chất tái chế để không ảnh hưởng nhiều tài nguyên. Nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái chế, dễ phân huỷ để sau khi sản phẩm sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ… là yêu cầu đang được May 10 hết sức tập trung”, ông Việt cho hay.
Phân tích sâu hơn về bài toán nguyên liệu, ông Việt cho rằng, để đầu tư 1 nhà máy dệt nhuộm không phải câu chuyện ngày 1 ngày 2, cần phải mất thời gian từ 5-10 năm. Hiện nay rất nhiều nhà cung cấp vải liên doanh với Việt Nam đã bắt đầu đầu tư và chỉ trong khoảng 3 năm nữa Việt Nam sẽ tận dụng tương đối tốt quy tắc xuất xứ trong EVFTA.
Để chủ động hơn nữa về nguồn cung nguyên liệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm kiến nghị, Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.
“Để phát triển bền vững, các DN ngành dệt may phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên và môi trường”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Chủ động liên kết tạo nguồn cung trong nước
Ở Việt Nam mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ (gỗ nguyên liệu) để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao. Hiện nay, nhiều nhà cung đang chào hàng gỗ cho các DN Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.
Năm 2021, có 13 quốc gia có lượng cung trên 100.000 m3 gỗ ít rủi ro từ mỗi quốc gia cho Việt Nam. Lượng cung từ 13 nguồn này chiếm trên 85% trong tổng lượng cung gỗ ít rủi ro vào Việt Nam trong cùng năm. Các quốc gia có lượng cung lớn nhất bao gồm Mỹ, Brazil, Chile, New Zealand, Australia và Bỉ.
“Với mức tăng trưởng trong khâu xuất khẩu khoảng 20% như hiện nay, cầu về gỗ nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho chế biến tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho biết.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang gây đứt gãy chuỗi cung, khan hiếm container rỗng làm chi phí vận chuyển đường biển quốc tế tăng phi mã. Bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, đại dịch với các hoạt động giãn cách cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam. “Giá cước vận chuyển và giá gỗ tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Phúc chỉ rõ.
Thời gian tới, để tạo được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, ông Tô Xuân Phúc đề cập đến các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai có những thay đổi mang tính đột phá.
Cụ thể, cần siết chặt kiểm soát, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa để giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển; cần đa dạng hóa các loài cây nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm.
“Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp nâng hình ảnh và vị thế ngành gỗ Việt trên trường quốc tế; đồng thời trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai”, ông Phúc nhìn nhận./.