Những năm gần đây, thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm những quốc gia có thương hiệu mạnh, nhờ những nỗ lực về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các DN trong việc xây dựng thương hiệu.
Quảng bá thương hiệu từ DN kiều bào chứng tỏ lợi thế
Ông Hoàn Mạnh Huê – Chủ tịch liên hiệp các Hội DN Việt Nam ở châu Âu cho biết, cộng đồng DN Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng chủ chốt đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, trong hoạt động kinh doanh của mình tại nước ngoài, các DN do người Việt làm chủ đã góp phần quảng bá các thương hiệu của Việt Nam thông qua xuất khẩu trực tiếp, cũng như làm cầu nối giữa DN trong nước với các chuỗi cung ứng ở các nước sở tại.
“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng DN Việt Nam là nguồn cung cấp quý giá những thông tin về thị trường, thị hiếu cũng như quy định pháp luật của nước sở tại, giúp các nhà sản xuất trong nước nắm rõ để sản xuất những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của thị trường xuất khẩu”, ông Huê khẳng định.
Theo ông Huê, các hệ thống trung tâm thương mại của người Việt ở nước ngoài là cơ sở rất tốt để quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam. Các trung tâm thương mại sẽ là nơi trực tiếp bán lẻ hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là địa điểm lý tưởng để xúc tiến thương mại bằng việc tổ chức các hội nghị kết nối giao thương với nhiều hình thức quảng bá, quảng cáo hàng hóa cũng như DN của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều THQG của Việt Nam cũng đã quảng bá thành công dựa trên một số thương hiệu của chính người Việt đã tạo dựng thành công, có uy tín tại nước ngoài.
Tuy nhiên ông Huê cũng thừa nhận, thời gian qua các DN Việt Nam chưa tận dụng triệt để tiềm năng từ các DN người Việt ở nước ngoài. Một phần do còn nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu chưa có giá trị thương hiệu, giá trị thấp. Mặt khác, sự giao lưu, liên kết giữa các địa phương, DN trong và ngoài nước chưa thực sự chặt chẽ. “Còn rất nhiều địa phương trong nước có những mặt hàng, những sản phẩm hết sức độc đáo và có tính cạnh tranh cao nhưng cộng đồng DN Việt Nam ở châu Âu vẫn chưa biết nên rất cần có thông tin kết nối”, ông Huê lưu ý.
Liên quan đến xây dựng THQG ở nước ngoài, bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch thương hiệu toàn cầu của Unilever cho rằng, khi nghĩ đến 1 quốc gia, người ta hay nghĩ đến 1 thương hiệu, sản phẩm của quốc gia đó. Hiện nay Việt Nam chỉ có 11 thương hiệu nằm trong top 1.000 các thương hiệu top của châu Á, và cũng thật tiếc khi chưa có thương hiệu nào vào được danh sách thương hiệu toàn cầu (Global Brand) nên cần phải xem xét và tập trung nguồn lực để làm được điều này.
Tìm ưu thế riêng có để phát triển THQG
Để đẩy nâng tầm hơn nữa cho các sản phẩm mang THQG ra toàn cầu, ông Hoàn Mạnh Huê cho biết, cộng đồng DN Việt Nam ở châu Âu đang chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực như lựa chọn chủng loại mặt hàng, thay đổi hình thức kinh doanh hướng đến sự bền vững, nhất là những mặt hàng độc đáo riêng có của Việt Nam mà thị trường sở tại không thể có. Những mặt hàng này phải có chất lượng, có thương hiệu từ các địa phương và DN trong nước được vào hệ thống kinh doanh trực tiếp của cộng đồng DN Việt Nam tại châu Âu.
Theo bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch thương hiệu toàn cầu của Unilever, từ đà tăng trưởng vượt bậc về xây dựng THQG trong những năm gần đây, Việt Nam cần làm tốt hơn điều này vì sau đại dịch Covid-19, tất cả các quốc gia đều mở cửa và họ cần đầu tư, thu hút nhân tài nên Việt Nam cần xác định mục tiêu này để có thể định vị cho THQG của mình.
Trong đó, Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giáo dục và y tế để làm sao có được những trường Đại học nằm trong top 100 trong của vực châu Á. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấm hơn 80% như hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam có ưu thế về năng lượng tái tạo nên có thể lấy đó để phát huy trở thành điểm mạnh của mình.
“Việt Nam cần xây dựng được những THQG ra toàn cầu, vì nhiều thương hiệu của Việt Nam rất tốt nhưng vẫn rất ít người nước ngoài biết đến. Trong tiến trình này cần đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, nhất là khi Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới xuất khẩu phần mềm, và cũng nằm trong top 10 về đào tạo các kỹ sư phần mềm, nên việc xây dựng THQG từ lĩnh vực này sẽ không hoàn toàn viển vông”, bà Trần Tuệ Tri gợi mở.
Khuyến nghị các DN Việt Nam cần sớm nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa THQG và thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN trong sự phát triển để nâng tầm thương hiệu DN bền vững, bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Mỹ cho rằng, 1 DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao. “Khi một quốc gia có nhiều DN với những thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của cả một quốc gia, và đương nhiên THQG Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ”, bà Lindsey M.Bier Marshall khẳng định.
Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng DN trong công cuộc xây dựng thương hiệu DN nói riêng và THQG nói chung vì một Việt Nam hùng cường./.