Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 10/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 4.085.642 ca mắc COVID-19, trong đó 279.511 ca tử vong.
Ảnh minh họa.
Việt Nam 24 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 10/5, nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới, và là ngày thứ 24 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 288, trong đó 48 ca từ nước ngoài được cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay đã có 241 trường hợp được điều trị khỏi, chiếm 84%. Hiện còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Riêng trường hợp bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này là bệnh nhân 91 phi công người Anh, hôm nay 10/5 Hội đồng chuyên môn sẽ hội chẩn, tìm giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân.
Mỹ ghi nhận 20.938 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Với số ca mắc mới trên, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 - đã ghi nhận tổng cộng 1.342.723 ca mắc, trong đó 79.962 ca tử vong.
Trong khi đó, Cơ quan phụ trách vấn đề sức khỏe tinh thần của Mỹ đã kêu gọi chính quyền liên bang cấp thêm ngân sách để cơ quan này có thể mở rộng các dịch vụ hỗ trợ người dân bị sang chấn tâm lý do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa và cách ly xã hội. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi kết quả một nghiên cứu vừa công bố cho thấy số người Mỹ có thể tử vong vì tự tử và nghiện ngập ma túy, rượu... có thể lên tới 150.000 người.
Tiến sĩ Elinore McCance-Katz, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, phụ trách các vấn đề sức khỏe tinh thần và lạm dụng các chất, nhận định rằng đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại trên khắp nước Mỹ như gia tăng số vụ lạm dụng ma túy, bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và của tạp chí y khoa Lancet, việc cách ly gây ra rất nhiều hậu quả về tâm lý, nhất là trong bối cảnh cách ly để kiểm soát đại dịch COVID-19 như hiện nay chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt.
Kết quả nghiên cứu mới công bố ngày 8/5 do Well Being Trust (tạm dịch Quỹ chăm sóc sức khỏe) và Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ tiến hành, đã cân nhắc yếu tố cách ly và cả thời gian cách ly chưa thể xác định để tính toán số người có thể tử vong vì tự tử, nghiện ma túy và nghiện rượu, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao như hiện nay. Kết quả cho thấy số người tử vong vì bế tắc sẽ tăng khoảng 75.000 người. Tuy nhiên, nếu kinh tế phục hồi nhanh thì con số này là gần 28.000 người, còn nếu phục hồi chậm sẽ lên tới trên 150.000 người.
Tây Ban Nha
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9/5 cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa khi nước này chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, Tây Ban Nha lên kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn tới cuối tháng 6, với khoảng một nửa dân số 47 triệu người của nước này được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở một mức độ hạn chế từ ngày 11/5, trong khi các nhà hàng được cung cấp một số dịch vụ ngoài trời.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Sanchez nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bạn thận trọng và cảnh giác tối đa do virus vẫn chưa biến mất, chúng vẫn tồn tại".
Lo ngại số ca nhiễm tăng trở lại nếu các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ quá nhanh, giới chức đã quyết định thủ đô Madrid hay Barcelona - hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Tây Ban Nha - đều sẽ không nằm trong giai đoạn 1 nới lỏng phong tỏa. Thành phố Granada và Malaga ở miền Nam cũng như Valencia ở miền Đông cũng vẫn sẽ được áp đặt đầy đủ các quy tắc phong tỏa.
Trong khi đó, cộng đồng tự trị Galicia ở miền Bắc, giáp với Bồ Đào Nha và xứ Basque, cũng như một số thành phố lớn như Zaragoza và Seville sẽ được hưởng một quy chế tự do mới, bao gồm được mở cửa lại nhà thờ, song số lượng người ra vào hạn chế, trong khi các cửa hàng nhỏ được đón tiếp khách có hẹn trước.
Tới nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận gần 224.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 26.478 ca tử vong, chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Italy.
Thủ tướng Canada lo ngại tình hình ở Montreal
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 9/5 tuyên bố bản thân lo lắng trước tình hình dịch bệnh tại vùng Montreal, tỉnh Quebec. Số ca mắc COVID-19 đã giảm tại đa số các vùng của Canada, trừ thành phố Montreal.
Canada hiện đã ghi nhận hơn 68.000 ca nhiễm và 4.8000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm tại Motreal chiếm tới 1/4 trong tổng số cả nước, giới chức địa phương cho biết.
Tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 346 người trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 31.587 người.