Theo Viện Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia Anh, COVID-19 kéo dài là tình trạng các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần sau khi mắc bệnh. Và ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số người trong số những người mắc Hội chứng LONG COVID, hay còn gọi là COVID-19 kéo dài, có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ sớm.
Tổ chức Bệnh Alzheimer Quốc tế (ADI), một liên hiệp các hiệp hội bệnh Alzheimer trên toàn cầu, gần đây cho biết đã thành lập một nhóm làm việc gồm các chuyên gia toàn cầu để nghiên cứu mức độ của vấn đề và đưa ra các khuyến nghị về cách đối phó. Tổ chức này cảnh báo đại dịch hiện nay có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp sa sút trí tuệ và kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp về mối liên hệ giữa LONG COVID và chứng mất trí.
Theo Nhà thần kinh học rối loạn nhận thức Alireza Atri, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Banner Sun, một cơ sở nghiên cứu lớn về bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan đến lão hóa ở bang Arizona, Mỹ, bất cứ điều gì làm giảm khả năng dự trữ nhận thức và khả năng phục hồi của một người sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa thần kinh. Điều này sau đó có thể gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ, với các biểu hiện sớm hơn.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung cho việc suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc đưa ra các quyết định gây cản trở cuộc sống hàng ngày của một người. Nó là kết quả của các bệnh như Alzheimer và các chấn thương ảnh hưởng đến não.
Ở Singapore, cứ 10 người trên 60 tuổi thì có một người mắc chứng sa sút trí tuệ. Hội chứng này thường được thể hiện bằng sự tích tụ độc hại của các protein trong não, có thể bắt đầu xảy ra ở một số người sớm nhất là 25 năm trước khi họ có dấu hiệu sa sút trí tuệ.
COVID-19 có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức
Tiến sĩ Atri cho biết COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm quá trình này và đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức, và sau đó là chứng sa sút trí tuệ.
Ngoài các triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19 như mất vị giác và khứu giác, Tiến sĩ Atri cho biết những người mắc Hội chứng LONG COVID cũng nên đề phòng “sương mù tinh thần, các vấn đề về sự chú ý và tập trung, các hoạt động trí óc nỗ lực hơn, có thể là hay quên”. Ngoài ra còn có thể có các vấn đề về giấc ngủ và lo lắng.
Vào tháng 7, một nghiên cứu do Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCID) của Singapore thực hiện cho thấy 1/10 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục tại đây có các triệu chứng dai dẳng 6 tháng sau lần nhiễm trùng đầu tiên. NCID hiện đang khám phá các tác động tâm lý thần kinh và nhận thức lâu dài của COVID-19 ở những người mắc bệnh từ nhẹ đến nặng.
Tiến sĩ Barnaby Young, một nhà tư vấn tại NCID, cho biết một số bệnh nhân COVID-19 gặp phải tình trạng sương mù não, mệt mỏi và mất ngủ, mặc dù họ "thường hồi phục theo thời gian và hầu hết mọi người sẽ không để lại hậu quả lâu dài".
Phó Giáo sư Philip Yap, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa lão khoa của Bệnh viện Khoo Teck Puat thì dẫn một nghiên cứu gần đây trên tạp chí eClinical Medicine đối với 3.762 bệnh nhân từ 56 quốc gia cho thấy, 7 tháng sau khi mắc COVID-19, rối loạn chức năng nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Điều này có thể là do não bị viêm, lưu lượng máu bị tổn thương, đặc biệt là trong các mạch máu nhỏ của não và những thay đổi trong hệ thống miễn dịch./.