Cuộc thử nghiệm do tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh (Cancer Research UK) vừa thực hiện đem đến hy vọng cứu sống vô số bệnh nhân mắc các loại ung thư thuộc dạng khó chẩn đoán và phát hiện. Chỉ cần 10 phút ngồi hít thở với thiết bị chuyên dụng, bác sĩ có thể phát hiện ra các dấu hiệu ung thư ngay từ giai đoạn rất sớm.
Một tình nguyện viên đang tham gia thử nghiệm - ảnh: Cancer Reasearch UK
Có thể nói, công trình mới này là một dạng "xét nghiệm hơi thở" hay "sinh thiết hơi thở", dựa trên VOC – là những phân tử có mùi gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi – có thể được nắm bắt qua hơi thở. Tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta tạo ra VOC thông qua hoạt động hàng ngày. Nhưng nếu có một thay đổi nhỏ trong hoạt động của cơ thể, ví dụ như sự xuất hiện của ung thư, thành phần của VOC sẽ có ít nhiều thay đổi.
Giáo sư Rebecca Fitzgerald, đến từ trụ sở Cambridge của Cancer Research UK, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết sau những thành công ban đầu chứng minh VOC có thể là tiền đề cho một công cụ chẩn đoán ung thư mới, họ đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với 1.500 tình nguyện viên tham gia.
Thử nghiệm sẽ bắt đầu với những bệnh nhân nghi ngờ ung thư thực quản, dạ dày, sau đó mở rộng sang ung thư tuyến tiền liệt, thận, bàng quang, gan và tụy trong vài tháng tới. Đây là những loại ung thư phổ biến và rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán muộn.
Đây là một phương pháp không xâm lấn, vì tất cả những gì bác sĩ cần là bệnh nhân ngồi thở vào máy, đồng thời dễ thực hiện nên các nhà khoa học hy vọng rằng nó sẽ được áp dụng tại các phòng khám bác sĩ gia đình. Như vậy, bệnh nhân sẽ dễ dàng tiếp cận với xét nghiệm ung thư hơn và nhiều trường hợp được chẩn đoán sớm hơn. Trong bệnh ung thư, phát hiện bệnh sớm là yếu tố đóng vai trò sống còn.