Ngay lập tức, các bác sĩ đã khởi động quy trình Code Blue (quy trình cấp cứu ngưng tim, ngưng thở). Bệnh nhân được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống thở hỗ trợ hô hấp, tiêm thuốc hồi sinh. Sau khoảng 5 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, mạch vẫn rất yếu, huyết áp không đo được, có nguy cơ tử vong.
Kết quả siêu âm cho thấy có tràn dịch màng ngoài tim cấp, tim bị chèn ép, co bóp yếu. Trước nguy cơ tử vong cao, ê kíp bác sĩ cấp cứu đã tiến hành chọc dịch màng ngoài tim để giải áp cho tim và rút ra tổng lượng dịch trong khoang màng ngoài tim gần 700 ml. Sau khi hút dịch ra, bệnh nhân có huyết áp trở lại, mạch đập rõ hơn, các dấu hiệu sinh tồn được cải thiện.
Theo ThS-BS Nguyễn Mạnh Cường, Khoa Can thiệp đột quỵ (người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân), tràn dịch màng ngoài tim cấp là bệnh hiếm gặp, tần suất chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu.
700 ml dịch ngoài màng tim được hút ra để cứu sự chèn ép tim cấp cho bệnh nhân
Bình thường, trái tim được bao quanh bởi một lớp bọc và tạo ra một khoang màng ngoài tim. Khoang này thường chứa khoảng 30-50 ml dịch. Khoang màng ngoài tim sẽ giúp cho trái tim có vị trí ổn định trong lồng ngực và làm cho trái tim hoạt động trơn tru, hạn chế ma sát.
"Trong trường hợp bệnh lý như tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, các buồng tim không giãn nở được làm cho máu không đi về tim, tim bóp không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, đột quỵ và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời" - BS Cường thông tin.