Trở thành tỷ phú nhờ trồng măng tây
Măng tây du nhập từ châu Âu về Việt Nam từ những năm 70 thế kỷ trước, song phải đến năm 2005 mới được trồng thử nghiệm tại Ninh Thuận. Loại cây ưa sáng, thích hợp sinh trưởng ở các vùng đất có nhiệt độ trung bình 25 độ C. Tuy đưa cây măng tây về sau các loại nông sản mũi nhọn như nho, táo, nhưng 5 năm trở lại đây, cây măng tây xanh đã thích ứng với biến đổi khí hậu, sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ trong tỉnh. Từ 2 ha trồng thí điểm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), năng suất từ 12-14 tấn/ha/năm.
Ông Châu Văn Nâu đang xếp măng tây để chuyển ra Hà Nội bán
Giờ đây, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển hơn 200 ha, cây măng tây xanh đã giúp nhiều hộ trồng trên vùng đất khô hạn nhất nước, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hiện, măng tây là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Thuận.
Cách đây 8 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước). Thời điểm đó, ông Hùng Ky - giờ là Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú tiên phong trồng thử nghiệm 4 sào. Sau 8 tháng, măng tây xanh bắt đầu thu hoạch đều đặn mỗi ngày khoảng 5 kg/sào. Từ năm thứ hai, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8-10kg/sào.
Xác định cây đặc thù và chủ lực chính là măng tây xanh cho nên đã mạnh dạn đầu tư bằng cách tự đào giếng rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và sản xuất rất hiệu quả, qua đó ngày càng nhân rộng diện tích. Giờ đây, vùng đất cát hoang hoá của xã An Hải đã phủ xanh mướt bởi những vườn cây măng tây.
Nói về hiệu quả của cây măng tây, bà Châu Thị Kim Hoa (Thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước - Ninh Thuận) cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng măng tây xanh cho biết, măng tây xanh là loại cây khá dễ tính trong sản xuất không kén đất, rất thích hợp với đất cát và đất phù sa. Hạt giống sau khi ươm trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra trồng. Sau 2 tháng trồng đã có thể thu hoạch và sau 4 tháng, măng tây sẽ được thu hoạch đều theo từng ngày. Trồng măng tây xanh có thể tận dụng cả thân, gốc và rễ. Cứ khoảng 3 sào trở lên nếu chăm sóc đúng kỹ thuật chắc chắn nông dân sẽ có của ăn của để.
Nhận thấy những tiềm năng kinh tế lớn từ cây măng tây, 10 năm trước bà Hoa đã quyết định chuyển đổi trồng cây măng tây xanh dù chi phí đầu tư ban đầu là không nhỏ. Chịu khó mày mò học hỏi kinh nghiệm, cây măng tây của bà Hoa sinh trưởng khá tốt, năng suất cao.
“Sau khi xuống giống xong gần như ngày nào tôi cũng bám ruộng để chăm sóc bón phân cũng như theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nhờ vậy cây sinh trưởng, phát triển xanh tốt và sau 4 tháng trồng cây bắt đầu cho thu hoạch những lứa măng non đầu tiên”, bà Châu Thị Kim Hoa chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây đã giúp gia đình bà Hoa “đổi đời”. Đến nay, bà Hoa đang có trong tay 7 sào măng tây xanh. Bình quân, mỗi ngày bà Hoa thu về 15kg măng tây xanh/sào, thậm chí, khi măng phát triển tốt, năng suất thu hoạch còn lên tới 20 kg - 25kg/ngày/sào. Giá măng tây xanh bà bán ra dao động từ 85.000 đồng/kg - 110.000 đồng/kg tùy thị trường.
Như vậy, 7 sào măng tây của bà Hoa đang cung cấp cả tấn măng tây ra thị trường và mang lại cho gia đình bà khoảng 300 triệu đồng doanh thu mỗi tháng.Sau khi trừ các loại chi phí, mỗi năm còn dư khoảng 300 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình năng suất cao, có thể lãi tới 50 triệu đến 70 triệu đồng/sào/năm. Điều đáng nói, đầu ra cho sản phẩm này tương đối ổn định.
“Chưa bao giờ bị tồn hàng vì chúng tôi có nhiều mối hàng phân phối. Đang ký hợp đồng phân phối cho 2 công ty và vừa ký hợp đồng thêm với 1 công ty mới để mở rộng sản xuất, cung cấp măng tây cho công ty”, bà Hoa thông tin thêm. Đó cũng là lý do người dân Ninh Thuận gọi măng tây xanh là loại cây “tiền tỷ”.
Sau gần 10 năm trồng măng tây xanh, gia đình bà Hoa đã tích lũy được 1 số vốn không nhỏ để mua thêm đất trồng măng tây. Ngoài ra, gia đình bà cũng đã xây dựng được căn nhà khang trang cách đây 2 năm với chi phí là 700 triệu đồng. Tại xã Tuấn Tú, ngoài nhà bà Hoa, còn không ít gia đình đổi đời nhờ trồng loại cây “tiền tỷ” này. Thậm chí, có những gia đình nuôi 3 con học đại học chỉ nhờ trồng lúa và đầu tư loại cây tiền tỷ này.
Bà Châu Thị Kim Hoa tới Agribank chi nhánh Ninh Phước để trả lãi vay
Tạo mọi điều kiện cho bà con vay vốn
Đến thời điểm này, cây măng tây xanh đã và đang khẳng định vị thế giá trị hàng hóa “nhất bảng” trong danh mục các loại cây hoa màu ở An Hải. Để có được sự thay da đổi thịt của các hộ gia đình trồng măng tây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, có lẽ ngoài sự mạnh dạn của những người nông dân còn có sự hỗ trợ không nhỏ từ phía ngân hàng. Đặc biệt, là Agribank trên địa bàn Ninh Thuận. Bởi vốn đầu tư trồng cây măng tây khá cao.
Theo chia sẻ của bà Hoa, để trồng được 1 sào măng tây, vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng. Nếu quy ra vàng thời điểm đó thì mỗi sào măng tây “ngốn” gần 6 chỉ vàng của bà. Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ đối với người nông dân vùng cát trắng đầy nắng và gió này.
Tuy nhiên, nhờ sự mạnh dạn của bà cũng như sự hỗ trợ từ phía Agribank Ninh Thuận cho bà vay vốn đầu tư với hạn mức từ 40 triệu rồi lên 60 triệu, 80 triệu đồng và đến nay dư nợ của bà tại Agribank Ninh Thuận lên tới 100 triệu đồng mà bà có được cơ ngơi như ngày hôm nay. “Nếu không nhờ ngân hàng cho vay vốn, thì chúng tôi không đủ tiền mua đất để trồng măng tây, mua đất để mở rộng sản xuất đáp ứng những đơn hàng hiện nay”.
Nói về sự hỗ trợ của Agribank trong suốt thời gian qua, bà Hoa cho biết, ngoài việc tạo điều kiện cho gia đình bà vay vốn, lãi suất cho vay tại Agribank cũng thấp hơn so với các NHTM khác, thủ tục nhanh gọn. Điều này giúp bà con nông dân mạnh dạn tới ngân hàng vay vốn nhiều hơn.
Hiện tại, với mức dư nợ 100 triệu đồng, mỗi tháng bà Hoa trả lãi ngân hàng 800.000 đồng và là khách hàng tốt của Agribank chi nhánh An Phước. “Từ khi vay vốn ngân hàng, chưa bao giờ tôi trả chậm, thậm chí có lần còn trả lãi sớm. Trong trường hợp, 2 vợ chồng đi phân phối hàng tại các địa bàn xa về trễ so với ngày trả nợ, Agribank vẫn tạo điều kiện cho trả chậm 10 ngày mà không bị phạt”, bà Hoa cho biết thêm.
Ông Châu Văn Nâu - Tổ trưởng Tổ vay vốn ở thôn Tuấn Tú cho biết, ông và gần 100 hộ dân trong tổ vay vốn của ông đều đang có quan hệ tín dụng với Agribank nhiều năm nay. Nhờ có sự hỗ trợ của Agribank, ông Châu và nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư trồng lúa, cây măng tây… phát triển kinh tế, đời sống gia đình ngày càng khấm khá. Hiện nay, tổ vay vốn của ông Châu chưa hề phát sinh nợ xấu đối với ngân hàng. Bản thân ông cũng đang vay 350 triệu đồng của Agribank chi nhánh Ninh Phước.
Trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh Ninh Phước anh Lê Đình Hải chia sẻ, tuy là cây phát triển kinh tế lớn nhất của tỉnh nhưng chi phí bỏ ra ban đầu cao nên nhiều bà con lo ngại thu nhập không bù đắp được chi phí. Nhận thấy tình hình, ngân hàng động viên khuyến khích bà còn vay vốn đầu tư phát triển cây măng tây. Nhờ chăm chút, đầu tư bài bản, năng suất cây trồng ngày càng cao. Hiện tại những hộ trồng lâu năm có kinh nghiệm thu được hơn 20 kg trong ngày. Giá măng tây tương đối cao, nhất là măng tây trồng vô cơ có giá cao hơn các loại khác.
Chưa bằng lòng với những gì đạt được, Agribank rất mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cây măng tây. Vì vậy, ông Hải cho biết, hiện chi nhánh đang phối hợp với UBND 2 xã có sản lượng lớn là An Hải, Phước Hải thực hiện tuyên truyền, vận động bà con trồng cây măng tây theo hướng công nghệ sạch, công nghệ cao.
“Trồng cây măng tây rất hiệu quả. Do đó, khi bà con có nhu cầu, ngân hàng sẽ tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho bà con vay vốn phát triển kinh tế”, ông Hải khẳng định.
Theo Thanh Huyền - Thời báo Ngân hàng