Lãi suất ngân hàng vay mua nhà trong tháng 5 dao động từ 4,99%/năm đến 8,99%/năm với thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi từ 3 tháng đến 36 tháng.
Trong đó, ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đang có mức cho vay mua nhà ưu đãi nhất với lãi suất 4,99%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khách vay mua nhà từ từ 10/1/2022 đến hết 31/12/2022 nhưng chỉ cố định trong 3 tháng đầu với khoản vay có thời hạn trên 24 tháng. Ngân hàng cũng hỗ trợ đến 90% giá trị căn nhà với thời hạn vay lên tới 35 năm nhằm giảm áp lực tài chính cho khách vay và hỗ trợ giải ngân ngay khi chưa hoàn thiện thủ tục sang tên sổ đỏ.
Lãi suất cho vay mua nhà nhiều ngân hàng vẫn chưa có nhiều biến động.
Sau MSB là Ngân hàng PVcomBank với mức lãi suất 5%/năm. Mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 6 tháng vay đầu tiên, khi hết thời hạn hưởng ưu đãi, lãi suất sẽ được cố định là 12%/năm cho những tháng kế tiếp. Hạn mức cho vay tối đa tại ngân hàng này lên đến 85% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn vay tối đa 20 năm.
Với mức lãi suất 5,9%/năm, ngân hàng TPBank và VPBank hiện cũng là 2 cái tên có mức cho vay mua nhà hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có mức lãi suất ưu đãi khác như Woori Bank (6,1%/năm), Hong Leong Bank (6,19%/năm), HSBC, Shinhan Bank và BIDV (6,2%/năm)…
Có mức cho vay ở mức cao hơn là các ngân hàng như Bắc Á Bank (8,99%/năm), Sacombank (8,5%/năm) và VIB (8,3%/năm),…
Có thể thấy, mức lãi suất cho vay mua nhà đầu tháng 5 hầu như không có sự thay đổi so với thời điểm tháng trước.
Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các NH triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Ngay sau đó, một số NH đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.
Một số ngân hàng hiện nay đã tạm dừng giải ngân, cho vay các khoản liên quan đến bất động sản.
Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) đã chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, trong đó đề cập đến không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở). Ngoài ra, Sacombank cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này sẽ được diễn ra đến ngày 30/6/2022.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc siết tín dụng với bất động sản đã diễn ra nhiều năm nay.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, có một số sự vụ việc liên quan đến các dòng tiền bất động sản, liên quan đến chứng khoán và trái phiếu nên các cơ quan chức năng càng siết chặt hơn.
Tuy ảnh hưởng đến một phần hoạt động của các nhà đầu tư, đến thị trường nhưng đây là động thái tích cực, nó sẽ làm giảm tình trạng vay tiền để đầu cơ, khiến sức mua yếu đi, việc đầu cơ vì thế sẽ giảm theo.
“Với các doanh nghiệp có năng lực, có nhu cầu đầu tư lâu dài thì họ sẽ không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính từ việc vay ngân hàng”, ông Đính nêu quan điểm.
Theo VTC