Hơi thở trong yoga
Luyện thở hay còn gọi là luyện sinh khí rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen bỏ qua. Luyện thở giúp chúng ta quay về với hơi thở bụng, xoa bóp các cơ quan nội tạng, tăng lượng khí ra vào cơ thể. Khi một đứa trẻ được sinh ra, hít vào bụng phồng lên, thở ra bụng xẹp xuống, vì vậy thở bụng chính là bản năng mà chúng ta đã quên đi trong cuộc sống bộn bề này. Hơi thở là sợi dây nối liền giữa thân thể và tâm trí. Khi bạn nóng giận, chỉ cần ngồi lại, nhắm mắt, hít vào, thở ra vài hơi, có thể cảm nhận cơn giận đi ra ngoài qua hơi thở. Trong khi tập luyện các asana (các tư thế vững chắc và giữ lâu), chỉ cần bạn biết cách điều chỉnh hơi thở, hơi thở ổn định, nhịp tim ổn định thì có thể luyện tập được lâu mà không hề thấy mệt. Nhiều tư thế người tập không làm được, cứ nghĩ do mình chưa đủ dẻo, chưa đủ mạnh, chưa đúng kỹ thuật…nhưng thật ra là do đang nín thở. Người tập không biết cách thở sẽ thường nín thở hoặc tập trung quá vào động tác quên thở không thể nào vào thế được.
Yoga là một lối sống
Lối sống của người yogi (người luyện tập yoga) là ăn chay, không tham, không sân si, không nói dối…giống như một người tu hành. Thực sự họ không theo một tôn giáo nào, chỉ vì nhận thức rằng ăn những thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa sẽ tốt cho cơ thể, rằng vạn vật trong vũ trụ đều theo quy luật nhân quả nên họ sống tuân theo giới, luật…Đó là theo triết lý Yoga có từ hơn 6000 năm, ngày nay, thực hành Yoga, người tập có thể cảm nhận một lối sống, tuy không hoàn toàn giống như triết lý.
Có một điều rất mâu thuẫn, để tập tốt asana, người tập do chưa cảm nhận được cơ thể nên gồng cứng cả người, đau lại gồng người lên chịu. Càng cố gắng, kết quả càng tệ vì gồng cứng thì khí vùng đó không lưu chuyển, không được cung cấp đủ khí huyết nên không vào thế được và cũng không giữ được lâu, càng gồng lại càng đau. Ngược lại khi càng thả lỏng thì vào, ra thế hết sức dễ dàng. Trong cuộc sống cũng vậy, đôi khi chúng ta quá căng thẳng, muốn mọi việc phải như mong muốn: gia đình, công việc, các mối quan hệ…nhưng càng mong muốn tốt thì nó lại càng tồi tệ. Chỉ cần chúng ta mở lòng, “thả lỏng” tâm trí, đón nhận điều tốt đẹp, niềm vui cả những thất bại, đau buồn, coi đó như những điều phải có sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng, dễ dàng biết bao.
Trong một asana có rất nhiều biến thể, các biến thể được đặt ra để phù hợp với thể trạng, căn cơ của từng người tập. Người tập có thể tập sai khác một chút so với tư thế chuẩn miễn là vẫn tác động vào cơ thể, mang lại lợi ích. Vậy nhưng trong cuộc sống, chúng ta vẫn muốn mọi việc sai, đúng, trắng, đen rõ ràng, phải như vầy mới đúng, lệch đi là sai. Chính vì vậy lại thấy cuộc sống khó khăn. Thực tế mọi sự việc và cả con người nữa, không khi nào hoàn toàn đúng, cũng không hoàn toàn sai. Sai không phải là xấu mà đúng cũng không phải là tốt, chúng chỉ là 2 mặt của một vấn đề. Sai, đúng là do cảm nhận từ góc nhìn của mỗi người mà thôi.
“Thực hành yoga là hướng về bên trong. Tất cả những thứ còn lại chỉ là trò xiếc” Guruji K.Pattabhi Jois đã nói như thế. Cảm nhận cơ thể trong khi tập quan trọng hơn là tập được hoàn chỉnh một tư thế khó. Chúng ta lại thường đánh giá người tập giỏi qua độ khó của tư thế mà người ấy thực hiện. Do đó chúng ta cố gắng để tập cho được tư thế khó mà đôi khi quên mất cảm nhận cơ thể. Cảm nhận cơ thể đang căng giãn, khó chịu ở vùng nào, hãy đưa ý thức về vùng đó nâng niu, vuốt ve, chăm sóc. Cảm nhận hơi thở chưa được ổn định do chúng ta mới vừa trải qua một cơn giận. Cảm nhận các cơ nào, xương nào đang ở vị trí ra sao khi chúng ta vào thế…Người ta thường nghĩ thiền là một cái gì rất xa xôi, thực ra khi chúng ta cảm nhận thực tại, biết mình đang làm gì, vậy đã là thiền. “Yoga là thiền động, thiền là yoga tĩnh” có lẽ cũng vì vậy.
Hiểu triết lý yoga, thực hành để cảm nhận, bạn sẽ thấy yoga hướng đến vẻ đẹp tinh thần, đến những giá trị cao cả trong cuộc sống. Nét lung linh của yoga không một môn thể dục, thể thao nào sánh được.
Theo Nguyễn Thị Thùy Hương