Sáng 8/10, chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Ngô Văn Đệ ở xã Long Khánh (Duyên Hải, Trà Vinh) cho hay: “Giá tôm tăng tăng khoảng 20.000 đồng/kg, các hộ nuôi tôm ở hợp tác xã đã thoát cảnh thua lỗ”.
Theo ông, mấy tháng vừa qua giá tôm lao dốc do xuất khẩu sụt giảm mạnh, doanh nghiệp mua tôm nguyên liệu chậm. Người nuôi chịu cảnh thua lỗ nhiều tháng liên tiếp vì giá tôm “chạm đáy”. Song, dịp gần đây, nông dân thu hoạch tôm được bao nhiêu doanh nghiệp thu mua hết bấy nhiêu.
Doanh nghiệp thông tin xuất khẩu bắt đầu phục hồi nên giá tôm cũng tăng tốt, dù chưa được như kỳ vọng. Song, nhờ giá tăng, nông dân từ thua lỗ đã chuyển sang có lãi nhẹ, ông Đệ chia sẻ. Hiện ông và các thành viên trong hợp tác xã chuẩn bị xuống giống vụ mới để kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, quý III ngành thủy sản sẽ tăng tốc, các doanh nghiệp ngành tôm đang có sự chuẩn bị chu đáo để có đà bật lên trong cuối năm.
Ông cho rằng, doanh số tiêu thụ của doanh nghiệp thủy sản tăng là tín hiệu tốt, giúp bù đắp cho việc sụt giảm trong nửa đầu năm, tuy nhiên cần tính đến các yếu tố để có sự tăng trưởng bền vững.
Ở lĩnh vực cá tra, Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn thông tin, trong quý III năm nay, xuất khẩu mặt hàng này của doanh nghiệp đã cải thiện so với quý II cả về sản lượng và giá tiêu thụ.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra của sang thị trường EU tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022; sang Trung Quốc tăng 13%; các thị trường còn lại cũng có doanh thu tăng trưởng tốt. Riêng tại thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg.
2 thị trường lớn nhất phục hồi ấn tượng
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt 858 triệu USD, chỉ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm thấp nhất của xuất khẩu thuỷ sản từ tháng 11/2022 đến nay.
Luỹ kế đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thuỷ sản thu về 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 năm nay, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương tháng 9/2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh khi tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua - ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.
Kết quả xuất khẩu gần đây cho thấy, thị trường có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản nước ta sang hai thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây.
Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Úc, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Với mặt hàng cá tra, VASEP nhìn nhận đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ... Trong tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022; sang Nhật Bản vẫn thấp hơn 15%.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng thuỷ sản Việt Nam. Đặc biệt, ở hai thị trường lớn này, cá tra đều là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Việt Nam.
Đáng chú ý, ở thị trường Mỹ sau thời gian dài rà soát đã chính thức công nhận trình độ sản xuất, chế biến ngành cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Ông Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, cùng với sự công nhận này, việc quan hệ Việt - Mỹ được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện vừa qua sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho xuất khẩu cá tra.
Theo ông, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc đã phục hồi và ở nhiều thị trường khác cũng tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này thường tăng rất mạnh vào mùa lễ hội cuối năm.
Ngoài ra, gói tín dụng 15.000 tỷ hỗ trợ cho ngành thuỷ sản và lâm nghiệp đến nay đã giải ngân được khoảng 5.500 tỷ đồng. Đây là động lực thúc đẩy doanh nghiệp ngành thuỷ sản đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu cuối năm.
Về con cá tra, có thể kỳ vọng xuất khẩu thu về 2,3 tỷ USD trong năm nay. Tính chung cả ngành thuỷ sản, Thứ trưởng Tiến tính toán và kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ USD.
Theo VNN