Theo các chuyên gia kinh tế của WTO, xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế dù thế giới đã qua đỉnh dịch Covid-19. Thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng trưởng 1,7%, giảm so với mức 2,7% của năm 2022.
Tuy nhiên, con số này đã khả quan hơn so với mức dự báo 1% được tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2022. Đà tăng này được cho là có liên quan đến sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Theo Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala, thương mại tiếp tục là động lực giúp nền kinh tế phục hồi, tuy nhiên tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 sẽ vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài như tác động kéo dài của Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
“Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng nhất sẽ thực sự tạo ra một động lực đáng kể cho tăng trưởng thương mại toàn cầu là việc kết thúc chiến tranh. Căng thẳng địa chính trị, tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và hậu quả của việc thắt chặt chính sách chu chuyển tiền tệ sẽ tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu” - Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala nói.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn tới xuất hiện những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng kéo theo bất ổn tài chính rộng lớn hơn nếu không được kiểm soát. Theo nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa, các chính phủ và cơ quan quản lý cần phải cảnh giác với những điều này và các rủi ro tài chính khác trong những tháng tới. Việc chú trọng hợp tác đa phương trong lĩnh vực thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân trong dài hạn.
Dự kiến trong năm 2024, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 3,2%. Tuy nhiên, dự báo này không chắc chắn do vẫn tồn tại những rủi ro, bao gồm căng thẳng địa chính trị, nguồn cung lương thực khan hiếm và những nguy cơ tiềm tàng chưa được lường trước của chính sách thắt chặt tiền tệ./.