Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank- WB) vừa công bố hôm nay (18/5) về cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả, mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch Covid-19, toàn cầu hóa chững lại, và nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia của WB nhận định rằng thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công để Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Tránh "bẫy" thu nhập trung bình
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình, qua đó nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu. "GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau 3 thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó, kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980", bà Carolyn Turk nói.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh, cần phải có làn sóng đổi mới mạnh mẽ, táo bạo. Bà đề cập tới sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai, liên quan đến quản lý đất đai, thuế đất, thời hạn sử dụng đất, định giá đất, dồn điền đổi thửa để tích tụ đất đai. "Một vấn đề quan trọng nữa là khi đã sửa đổi luật đất đai rồi thì sẽ triển khai như thế nào bởi những vấn đề về quản lý đất đai, định giá đất, thuế đất còn có nhiều tranh cãi. Điều này đòi hỏi phải có thể chế hết sức mạnh mẽ để có thể thực thi hiệu quả", bà Carolyn Turk nêu rõ.
Theo bà Carolyn Turk, đẩy mạnh triển khai thực hiện, nâng cao năng lực và tạo động lực là thế kiềng 3 chân, tạo nền tảng cho cải cách thế chế, trong đó có đất đai – một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi phải có năng lực mạnh mẽ hơn, thể chế mạnh mẽ hơn, cơ chế giải trình rõ ràng để có thể thực hiện luật mới một cách hiệu quả.
Báo cáo của WB cảnh báo, Việt Nam có nguy cơ rơi vào "bẫy" thể chế thu nhập trung bình nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách. Ông Đỗ Việt Dũng - Chuyên viên cao cấp của WB cho rằng, để thực hiện khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam không chỉ cần thực hiện đúng và trúng những ưu tiên phát triển trong bối cảnh Việt Nam và thế giới phát sinh nhiều thách thức mới. Đặc biệt, cần đổi mới và cải cách thể chế để có thể thực thi được những ưu tiên phát triển này một cách có hiệu quả.
5 cải cách thể chế để thực thi hiệu quả
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Từ 1990 đến nay thu nhập đã tăng gấp 5 lần, đói nghèo cùng cực đã không còn nữa. Hầu hết khung thể chế đều được thiết kế vào những năm 90. "Khung thể chế đó đã giúp Việt Nam thành công ngày hôm nay, Song, liệu nó có còn giúp Việt Nam phát triển tốt trong 25 năm tới hay không? Việt Nam cần làm nhiều việc nữa nếu muốn đạt tham vọng thu nhập trung bình cao vào năm 2045, thể chế có vai trò quyết định", ông Jacques Morisset nêu quan điểm.
Theo bà Trần Thị Lan Hương - Chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB, đại dịch Covid-19 cùng tình hình quốc tế diễn ra bất ngờ, khó lường đã làm chậm quá trình toàn cầu hóa. Việt Nam càng cần nhận thức rõ mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế, để có khả năng phục hồi tốt hơn.
Với các ưu tiên thuận lợi thương mại, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, Việt Nam đã triển khai tốt thời gian qua. Tuy nhiên một số ưu tiên như phát triển hạ tầng, huy động sự tham gia của tư nhân hay hợp tác công-tư thì chưa tốt. Trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ phải xác định rõ ràng các ưu tiên phát triển của mình mà còn phải triển khai thực hiện hiệu quả hơn các ưu tiên nêu trên; cần sớm điều chỉnh khung thể chế hiện có để phù hợp hơn với các ưu tiên phát triển./.