Kết thúc phiên sáng 27/10, chỉ số VN-Index tăng 8,08 điểm lên 1.001,44 điểm. HNX-Index tăng 2,04 điểm lên 207,99 điểm.
Thị trường chứng khoán ghi nhận sự tích cực trong nửa đầu phiên giao dịch 27/10 sau khi chỉ số VN-Index xuống đáy 2 năm, ở dưới khá nhiều so với ngưỡng 1.000 điểm, trong 2 phiên liền trước và có những lúc sức cầu bắt đáy tăng mạnh.
Cùng với việc nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn báo cáo lợi nhuận tăng cao, chỉ số VN-Index nhiều lúc đã lấy lại được ngưỡng 1.000 điểm. Thị trường chứng khoán cũng phản ứng tích cực với tín hiệu tỷ giá USD/VND hạ nhiệt.
Tuy nhiên, thị trường khá chới với với ngưỡng điểm quan trọng này khi mà thanh khoản tiếp tục trong tình trạng eo hẹp, chỉ có khoảng 4.100 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Nhiều cổ phiếu bất động sản trụ cột và một vài mã ngân hàng tiếp tục diễn biến kém tích cực, qua đó tác động xấu lên thị trường chung.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vương tiếp tục giảm giá xuống mức đáy mới kể từ đầu năm 2018. VIC hiện chỉ còn hơn 53.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 130.000 đồng (giá điều chỉnh) hồi giữa tháng 4/2021.
Trong khi đó, Vinhomes (VHM) cũng giảm nhẹ và ở vùng thấp nhất kể từ tháng 3/2020 cho dù doanh nghiệp này vừa báo cáo lợi nhuận tăng mạnh và tiền mặt dồi dào do vừa bán thành công căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 (The Empire).
Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu Chủ tịch Bùi Thành Nhơn cũng giảm mạnh xuống đáy hơn một năm, từ mức hơn 94.000 đồng xuống còn 73.300 đồng/cp.
Nhóm ngân hàng phân hóa với đa số mã hồi phục nhưng một vài mã như VPBank của ông Ngô Chí Dũng hay HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây chịu áp lực bán ra mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng vì thiếu tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lo về vấn đề trái phiếu.
Hiện tại thanh khoản thấp được xem là vấn đề của thị trường chứng khoán. Đây có thể là áp lực khiến nhiều cổ phiếu không bứt phá hồi phục từ đáy 2 năm cho dù định giá được xem là thấp nhất trong nhiều năm. Nhiều cổ phiếu đã phá đáy hồi Covid-19.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt giống như các nước trên thế giới với lãi suất tăng cao và hút bớt vốn ra khỏi lưu thông.
Trong 7 ngày từ 18/10 tới 26/10, NHNN đã hút ròng từ thị trường về gần 138.840 tỷ đồng.
Đồng USD ngày 26/10 có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm USD/VND được NHNN giảm từ đỉnh lịch sử 23.703 đồng/USD trong phiên liền trước về mức 23.698 đồng/USD. Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank hôm 26/10 cũng giảm từ 24.608 đồng/USD (mua) và 24.888 đồng (bán) trong phiên liền trước về 24.602 đồng/USD và 24.882 đồng/USD.
Trong gần 2 tuần qua, đồng USD tăng giá mạnh, giá USD tại Vietcombank tăng từ mức 24.080 đồng/ÚSD (giá bán) hôm 12/10 lên mức 24.888 đồng/USD hôm 25/6, tương đương mức tăng 3,36%. Tính từ đầu năm 2022 đến 26/10, giá bán USD tại Vietcombank tăng 8,56%.
Trên thế giới, đồng USD hạ nhiệt khá nhanh. Trong khi đó, bảng Anh, euro và yen Nhật hồi phục mạnh mẽ.
Giới đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ chậm lại việc thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể kết thúc vào cuối năm nay, hoặc quý I năm sau.
Vấn đề tỷ giá tại Việt Nam qua đó cũng tích cực lên. Bên cạnh đó, trong thời gian tới khi nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể từ hoạt động xuất siêu, FDI giải ngân đầu tư duy trì đà tăng trưởng cao, và khách du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh.
Dù vậy, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là thanh khoản trên thị trường chứng khoán khi nào sẽ hồi phục.
Theo Vietnamnet