Theo Thứ trưởng, đàm phán đang được tiến hành song song và tất cả các bên đều yêu cầu phía Việt Nam ký biên bản bảo mật thông tin. Song đến nay, có một số thông tin có thể công khai. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, kết quả đàm phán đạt được mới nhất là với công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh. Hai bên đã ký thỏa thuận đảm bảo 30 triệu liều vaccine cho 15 triệu người dân. Theo lộ trình, quý I, II, III, IV đều sẽ có vaccine. Với đối tác Mỹ, lộ trình cung cấp lô vaccine cuối cùng sẽ là vào quý IV/2021.
Với đối tác Nga, theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã đàm phán và sẽ sản xuất vaccine theo hình thức chuyển giao công nghệ cho một công ty trực thuộc Bộ Y tế. Trong đàm phán mua vaccine Covid-19 của nước ngoài, bên cạnh việc cung cấp còn liên quan đến nhiều yếu tố như mức giá chênh nhau không nhiều, phụ thuộc vấn đề bảo quản, điều kiện thanh toán, giao hàng và điều kiện về lâm sàng. Tuy nhiên, các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ. Vaccine thấp nhất 60-65% và cao nhất là hiệu quả đến 94%, mức bảo vệ trung bình 80-90%.
Thứ trưởng cũng nêu rõ, tất cả các nội dung này, Bộ Y tế đang xin ý kiến các Bộ ngành và báo cáo Chính phủ về các nội dung liên quan đến thanh toán, tiến hành tiêm. Tuy nhiên, một số nội dung khác phải lấy ý kiến vì chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, nếu cần thiết, Bộ sẽ xin ý kiến và báo cáo Bộ Chính trị.
Ngoài vaccine thương mại, Liên minh vaccine toàn cầu sẽ mua vaccine của một số nhà sản xuất để cung cấp cho khoảng 90 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Các nước sẽ được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% dân số, với mức giá rẻ nhất có thể. Tuy nhiên, hiện năng lực sản xuất của các nước sản xuất vaccine chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong quý I/2021, Việt Nam mới có đủ thông tin để lên kế hoạch cụ thể hơn về mua vaccine ứng phó đại dịch COVID-19.
Theo Kinh doanh & Phát triển