Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường Thái Lan từ một vài năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được một doanh nghiệp Việt Nam chính thức xuất khẩu và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn của Thái Lan. Lô vải thiều Bắc Giang xuất khẩu lần này sẽ được đưa ra bán tại các siêu thị Gourmet nằm trong bảy trung tâm thương mại lớn của tập đoàn The Mall. Đây là các siêu thị chuyên bán các loại thực phẩm, đồ ăn và đồ gia dụng hàng đầu ở Thái Lan.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc VIFOCO cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa quả vải thiều tươi tiếp cận với người tiêu dùng của Thái Lan. Và đặc biệt, vải thiều của Bắc Giang đã có mặt kệ hàng của chuỗi trung tâm thương mại The Mall, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan hiện nay”.
Tại trung tâm thương mại Siam Paragon, nhiều khách hàng khi nếm thử vải của Việt Nam đã tỏ ra rất thích thú. Bà Somsri Somta vui vẻ khoe hộp vải tươi bà vừa mua và cho biết: “Quả vải có mầu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Trái vải cầm không bị nát, lại rất róc hạt”.
Ông Somkiat Wongsakulchai, Giám đốc Điều hành của công ty Ekthai, đơn vị phân phối tại Thái Lan, đánh giá cao chất lượng của trái vải Việt Nam.
“Trái vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có mầu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán trái vải Việt Nam tại 7 cửa hàng tại Bangkok thuộc hệ thống trung tâm thương mại The Mall Group và sẽ mở rộng ra tất cả các chi nhánh trong năm tới. Chúng tôi dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 1000 tấn vải Việt Nam trong năm tới”, ông Somkiat Wongsakulchai nói.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan khẳng định, Thái Lan là một thị trường tiềm năng của trái vải Việt Nam.
“Sự đóng góp của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cũng như giúp cho trái vải Việt Nam đến được với một thị trường mà dù được gọi là thủ phủ trái cây của khu vực nhưng vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng khai thác.
Ngoài vấn đề liên quan đến thị trường thì yếu tố mùa vụ là một trong những yếu tố được gọi là chìa khóa thành công đối với việc xúc tiến các sản phẩm nông sản khi mà tại thời điểm đầu tháng 7 sản lượng vải của Thái Lan và cũng như của Trung Quốc nhập khẩu Thái Lan sụt giảm thì là cơ hội rất lớn để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường Thái Lan”, ông Huy cho biết.
Ông Vũ Phúc Nam, Vụ phó Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng nhấn mạnh: “Thái Lan trong thời gian qua luôn là một thị trường, đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Asean và chúng tôi cho rằng là thị trường Thái Lan vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm, các sản phẩm gia dụng”.
Thái Lan hiện chỉ cấp phép nhập khẩu bốn loại trái cây từ Việt Nam. Tuy nhiên, biên độ thị trường của bốn loại trái này không dừng lại ở những sản phẩm tươi mà còn mở rộng sang cả những sản phẩm đã qua chế biến.
Ngoài những trái vải tươi, thị trường Thái Lan cũng hứa hẹn rộng mở chào đón các sản phẩm đồ hộp, sấy khô hay các sản phẩm đông lạnh chế biến từ trái vải Việt Nam.