Ngày 11-1, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, VN-Index rớt khỏi mốc 1.500 điểm khi mất tới 11,4 điểm vào cuối phiên. Tuy nhiên, thông tin nóng nhất trong ngày chính là việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, âm thầm bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC hôm 10-1, ảnh hưởng lớn đến thị trường và các nhà đầu tư.
"Đánh úp" nhà đầu tư
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 10-1, cổ phiếu FLC tăng kịch trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu, kích thích nhà đầu tư ồ ạt mua vào vì kỳ vọng giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi hệ thống giao dịch của HoSE gặp trục trặc, cổ phiếu FLC bất ngờ đảo chiều giảm kịch sàn khiến những nhà đầu tư nắm cổ phiếu này hết sức hoang mang. Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh của FLC trong phiên này cao kỷ lục, tới hơn 135 triệu cổ phiếu.
Giao dịch bán “chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết được đánh giá là ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và các nhà đầu tư .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đến chiều tối cùng ngày, trên website tập đoàn xuất hiện một bản đăng ký giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết ký ngày 5-1 nhưng không có dấu mộc, với nội dung đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỉ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 10 đến 17-1. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Theo thông báo, sau khi bán, ông Quyết giảm tỉ lệ sở hữu cổ phiếu FLC từ 30,34% (215 triệu cổ phiếu) còn 5,7% (40,4 triệu cổ phiếu).
Tuy nhiên, sau đó văn bản này trên website của FLC được chỉnh lại thành ngày ký là 10-1 và thời gian đăng ký giao dịch là từ 14-1 chứ không phải 10-1 như văn bản trước đó. Cả 2 văn bản này đều chưa được đăng tải trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) theo quy định.
Sáng 11-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin cơ quan này đã nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Do đó, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Hành động của ông Trịnh Văn Quyết đã khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Tiến, một nhà đầu tư, cho biết sáng 10-1, ông được nhân viên tư vấn khuyến nghị mua cổ phiếu FLC nhưng khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản thì đã bị chủ tịch HĐQT FLC "đánh úp".
Trước những thông tin tiêu cực, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 11-1 dù có lúc kéo lên giá xanh nhưng cuối ngày vẫn chìm trong sắc đỏ với lượng giao dịch tới gần 155 triệu cổ phiếu, cao hơn cả phiên trước đó. Thậm chí, những cổ phiếu khác thuộc tập đoàn FLC như ROS, HAI, AMD, KLF cũng giảm sàn liên tục đến cuối phiên.
Luật còn kẽ hở
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc bán "chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị cơ quan quản lý cần phong tỏa ngay tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết, không để ông này thu lợi bất chính (nếu có). Nếu có dấu hiệu trục lợi thì phải xử lý nghiêm, thậm chí là truy cứu hình sự theo luật định.
Theo ông Hải, vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng "đánh úp" nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại rất nặng. Thế nhưng, sau đó, ông Quyết chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính... 65 triệu đồng.
Do đó, ông Hải cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xử phạt nặng hơn đối với ông Trịnh Văn Quyết. Vì hành động của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Hành vi này đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng trong câu chuyện của chủ tịch HĐQT FLC, bán "chui" cổ phiếu là vi phạm hành chính về công bố thông tin nên chỉ có thể xử phạt theo khung cố định. "Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ quan chức năng có thể áp dụng tình tiết tăng nặng, phạt theo tỉ lệ phần trăm giá trị tài sản trên giao dịch. Nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm, trục lợi bất chính với giá trị lớn thì xử lý hình sự, tịch thu ngay phần lợi đó mới có thể răn đe" - ông Vũ đề nghị.
Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, nếu theo Nghị định 128 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi vi phạm quy định về giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết nhiều khả năng sẽ bị phạt tiền từ 3% - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nhưng không quá 1,5 tỉ đồng (đối với cá nhân). Ngoài ra, ông Quyết có thể bị xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 3 tháng đến 5 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 5 điều 33 Nghị định 128".
Trước đây, UBCKNN đã công bố rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhưng mức phạt chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng, đồng thời thời gian phát hiện và xử phạt cách xa thời điểm vi phạm nên việc xử lý được đánh giá "như muối bỏ biển".
Một chuyên gia khác nhận định các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm chứng khoán hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, dễ làm méo mó thị trường. Điển hình là mức phạt hành chính hiện nay là quá nhỏ so với lợi ích mà các lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn thu được khi giao dịch "chui".
Đặc biệt, những sự việc trên nếu không xử lý dứt điểm và xây dựng các quy chế đủ mạnh thì việc "lờn" luật sẽ thường xuyên xảy ra. Do đó, chuyên gia này đề xuất phải sửa luật theo hướng xử lý nghiêm những lãnh đạo doanh nghiệp không đạo đức, dùng cổ phiếu của mình mua đi bán lại một cách vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường và các nhà đầu tư.
Gian lận chứng khoán gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng
Tại Mỹ, giao dịch nội gián là vấn đề nóng trong nhiều năm. Vào năm 1934, Quốc hội Mỹ thành lập Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) nhằm giám sát hoạt động giao dịch và bảo vệ các nhà đầu tư. Giao dịch nội gián gây tổn hại đến niềm tin thị trường chứng khoán, với nạn nhân là các nhà giao dịch thường ngày hay thậm chí là cả một nền kinh tế. Hành vi này còn dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.
Cựu giám đốc quỹ đầu cơ người Mỹ gốc Sri Lanka Raj Rajaratnam từng kiếm được khoảng 60 triệu USD thông qua việc trao đổi thông tin mật với các nhà giao dịch, giới quản lý quỹ đầu cơ và nhân viên chủ chốt của các tập đoàn IBM, Intel Corp và McKinsey & Co (đều của Mỹ). Với 14 tội danh, trong đó có âm mưu và gian lận chứng khoán, Rajaratnam bị tuyên 11 năm tù giam cùng án phạt 92,8 triệu USD vào năm 2009.
Ở Trung Quốc, nhằm tăng cường răn đe tội phạm chứng khoán, cuối năm 2020, nước này cũng đã sửa đổi luật hình sự để ban hành khung phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gian lận, cung cấp sai thông tin và thao túng thị trường. Theo đó, mức án tối đa dành cho tội phạm gian lận phát hành chứng khoán và cung cấp thông tin sai lệch được nâng lên lần lượt 15 năm và 10 năm tù giam.
C.Lực