Theo Phó giáo sư Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh đang trẻ hóa. Bác sĩ Bình đã gặp trường hợp mới 15-16 tuổi đã mắc bệnh.
Anh N.V.L. (25 tuổi, trú tại Lạng Sơn) đến Bệnh viện K khám khi thường xuyên đau thượng vị, ợ nóng, khó tiêu. Bác sĩ phát hiện có tổn thương ở niêm mạc dạ dày, biến đổi cấu trúc nên bấm sinh thiết giải phẫu bệnh. Kết quả anh L. bị ung thư dạ dày. Thông báo khiến anh L. bất ngờ vì nghĩ rằng đó chỉ là dấu hiệu của viêm dạ dày, nhiều người mắc.
Ung thư dạ dày gia tăng có hai xu hướng:
Thứ nhất, khả năng phát hiện bệnh ngày càng sớm và chính xác do người dân quan tâm hơn tới việc khám sức khỏe.
Thứ hai, ung thư dạ dày hiện nay xuất hiện ở người dưới 50 tuổi nhiều hơn. Trước đây, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp là 60-75 tuổi.
Theo Phó giáo sư Bình, các yếu tố làm gia tăng ung thư dạ dày bao gồm môi trường sống thay đổi. Hiện nay, nhiều yếu tố như thức ăn nhanh, căng thẳng, áp lực cuộc sống làm tình trạng viêm, loét dạ dày kéo dài, khó chữa hơn, tiến triển thành ung thư.
Thói quen tạo tiền đề ung thư như lạm dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá), thức ăn dễ gây ung thư như đồ muối mặn, thực phẩm hun khói có chứa nitrat.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) cũng là tác nhân gây bệnh. 70% dân số hiện nay có nguy cơ mắc bệnh dạ dày và nhiễm khuẩn HP nhưng không phải ai dương tính với vi khuẩn này cũng bị ung thư dạ dày.
Bác sĩ Bình cho biết dấu hiệu của ung thư dạ dày rất mơ hồ. Người bệnh thường chủ quan nghĩ rằng đó là viêm loét thông thường.
Thời gian đầu, các dấu hiệu thường xuất hiện ở vùng bụng trên rốn với biểu hiện như tức bụng, đầy bụng đặc biệt sau ăn. Khi bệnh tiến triển nặng, có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn sau ăn.
Về thể trạng, bệnh nhân có dấu hiệu sụt cân. Thậm chí, có người đến khám chỉ vì sụt cân không rõ nguyên nhân và phát hiện mắc ung thư dạ dày.
Theo bác sĩ Bình, ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu ở giai đoạn sớm. Người dân nếu có triệu chứng trên kéo dài khoảng 1 tuần nên đến các cơ sở y tế kiểm tra. Những người có bệnh dạ dày từ trước, tiền sử từng phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét lâu năm, nhiễm vi khuẩn HP nên tầm soát ung thư dạ dày.
Qua nội soi, các bác sĩ sẽ nhìn thấy các bất thường trong dạ dày. Nếu nghi ngờ, sẽ sinh thiết các tổn thương.
Tại Bệnh viện K, người bệnh có thể được tư vấn để thực hiện nội soi thông thường hay gây mê. Nếu lựa chọn nội soi gây mê, người bệnh được đưa vào trạng thái tiền mê trước khi nội soi nên hoàn toàn không có cảm giác khó chịu. Để nội soi gây mê, người bệnh cần có chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu, bác sĩ gây mê sẽ kiểm tra để đưa ra chỉ định phù hợp.
Trước khi đi nội soi, bệnh nhân nên nhịn trước 6 tiếng, tránh bỏ sót các tổn thương. Nếu ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có thể can thiệp qua nội soi phần tổn thương ung thư ở niêm mạc còn khu trú.
Theo Phó giáo sư Bình, ung thư dạ dày điều trị đa mô thức phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, miễn dịch và đích, trong đó phẫu thuật mang tính triệt căn. Hiện có phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi cho bệnh nhân.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân nên từ bỏ đồ ăn kích thích dạ dày như rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn chiên nướng, muối mặn. Mọi người cần duy trì thói quen tâp luyện thể dục, ăn nhiều rau xanh và khám sức khỏe thường xuyên.
Theo Vietnamnet