Chỉ sau một tháng kể từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 18 về “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP", số lượng DN hoạt động trở lại đã đạt những tỷ lệ rất cao...
Đã có 1.342 doanh nghiệp hoạt động trở lại
Tại các khu công nghiệp, khu công chế xuất, khu công nghệ cao (KCN, KCX, KCNC) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (tập trung các DN lớn, chủ yếu là DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài), ghi nhận tốc độ hồi phục sản xuất sau dịch Covid-19 nhanh một cách đáng kinh ngạc. Theo số liệu của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1/11 (tròn 1 tháng kể từ khi TP trở lại tình trạng bình thường mới), tại các KCN đã có 1.342/1.412 DN hoạt động trở lại. Số lượng DN khôi phục sản xuất, kinh doanh đạt 95%. Tình hình lao động quay lại làm việc tại các DN trong các KCN cũng hết sức khả quan, đạt 216.210/288.000, chiếm tỷ lệ 75% so với trước khi dịch bùng phát.
Sản xuất thực phẩm tại một DN ở KCX Tân Thuận. Ảnh Lê Trung
Tình hình khôi phục sản xuất kinh doanh tại KCNC TP Hồ Chí Minh còn khả quan hơn, toàn bộ 88/88 DN đã hoạt động trở lại. Số lao động đã trở lại làm việc tại các DN cũng đã đạt con số 84% tương đương với 145.000 người.
Để có thể nhìn thấy được tốc độ hồi phục sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN, KCX, KCNC, cần nhìn lại thực trạng hoạt động của DN tại thời điểm đầu tháng 10/2021(thời điểm kết thúc các đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội…). Số liệu cung cấp từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh ngày 4/10 cho thấy, tại các KCN, KCX, KCNC có 135.000 lao động đang làm việc. Nếu so với sánh với con số lao động đang làm việc trong các KCN, KCX, KCNC hiện nay là hơn 361.000 lao động (gần gấp 3 lần) có thể thấy rằng tốc độ hồi phục sản xuất diễn ra quá nhanh.
Nếu nhìn vào số DN hoạt động trở lại, số lượng lao động tham gia sản xuất tại các KCN, KCX, KCNC, có thể nói rằng tốc độ hồi phục sản xuất của các DN lớn diễn ra rất nhanh và gần như đã trở lại bình thường trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn.
Đáng mừng nhưng cũng đáng lo
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, TP có hơn 33.900 DN, với hơn 1 triệu lao động (phần lớn là DN vừa và nhỏ) hoạt động bên ngoài các KCN, KCX, KCNC
Trong khi đó, theo số liệu được cung cấp từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2021 đã có 12.860 DN ngưng hoạt động. Tính đến ngày 1/11, số DN đăng ký hoạt động trở lại đạt hơn 7.000, chiếm 61% số DN đã dừng hoạt động trước tháng 8/2021 (chưa có số liệu DN dừng hoạt động trong 2 tháng 9 - 10/2021).
Nếu chỉ nhìn vào các con số đơn thuần có thể nói là tình hình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào các khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, có thể nói hết sức đáng lo ngại. Những khó khăn của cộng đồng DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hiện ra qua kết quả khảo sát do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện.
Hoạt động tại một DN thực phẩm tại KCX Tân Thuận. Ảnh Lê Trung
Từ ngày 5 đến ngày 15/10/2021, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã tổ chức khảo sát 100 DN trong và ngoài KCN tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có 25 DN FDI. Trong khuôn khổ cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ còn thực hiện 18 cuộc phỏng vấn sâu, đối tượng phỏng vấn gồm lãnh đạo của 10 DN Việt Nam, 3 DN FDI, 4 Hiệp hội DN Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh.
Kết quả khảo sát 100 DN đã được công bố ngày 23/10/2021. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, có 44% số DN có kế hoạch phục hồi toàn bộ; 29% số DN phục hồi phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh; 31% số DN chỉ phục hồi một phần; 24% chưa xác định thời gian phục hồi sản xuất cụ thể. Đáng chú ý, có 8/100 DN cho biết là có kế hoạch chuyển một phần đơn hàng sang nước khác hoặc nơi khác.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 16,2% số DN ít khó khăn, 37,7% có khó khăn và 46,1% rất khó khăn.
Một vấn đề đáng chú ý từ cuộc khảo sát đó là Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại DN ban hành kèm theo Quyết định số 3328 có một số quy định được đánh giá tính khả thi thấp (DN không thể đáp ứng) như quy định xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc; mật độ 4m2/người lao động và giữ khoảng cách 2m… Theo các DN được khảo sát, các quy định thiếu khả thi làm phát sinh chi phí DN…
Thiết nghĩ, hiện tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người trên 18 tuổi (lực lượng lao động) được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã đạt gần 99% đối với mũi 1 và đạt gần 80% đối với mũi 2, đã đến lúc cần nới lỏng các quy định về an toàn sản xuất để giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế. Không thể, áp dụng các quy định an toàn sản xuất thiếu khả thi, DN không thể đáp ứng.