Theo đó, Sở Y tế TP HCM đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 nào điều trị tại nhà bị thiếu thuốc, đồng thời nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến người bệnh.
Nhân viên y tế tại trạm y tế phường 8, quận 11, TP HCM phát túi thuốc F0 cho bệnh nhân điều trị tại nhà.
Sở Y tế TP HCM cho biết sau khi ban hành công văn về việc phân bổ túi thuốc A (thuốc hạ sốt, vitamin), B (kháng viêm, kháng đông) cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, sở đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B phân bổ hơn số lượng so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo. Sau đó, Bộ Y tế cũng cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Hiện các túi thuốc C cũng được chuyển đến các địa phương để phân bổ cho F0 tại nhà.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát về hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà, báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc đến bệnh nhân F0 chậm, nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc, gây bức xúc cho người bệnh.
Để bảo đảm bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời, giảm trường hợp chuyển nặng, Sở Y tế TP HCM đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương rà soát, cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân F0, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 nào điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.
TP HCM: Tăng cường xét nghiệm Covid-19 đến ngày 15-9
Sáng 6-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho hay TP vừa ban hành văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai công tác xét nghiệm để phát hiện triệt để các ca nhiễm SARS-CoV- 2 trong cộng đồng, thu gọn vùng nguy cơ cao và rất cao, mở rộng và kiểm soát vùng an toàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người ở chung cư tại TP Thủ Đức (Ảnh: Trung tâm Y tế TP Thủ Đức)
Theo đó, người dân ở "vùng đỏ", "vùng cam" được xét nghiệm ít nhất 3 lần và người dân ở các vùng còn lại xét nghiệm ít nhất 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần. Đồng thời, khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Cụ thể, tại các "vùng đỏ", "vùng cam", tiến hành xét nghiệm vòng 3 đối với quận, huyện đã hoàn thành vòng 2; xét nghiệm hộ gia đình theo phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong hộ gia đình/mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh; tần suất lặp lại 2-3 ngày/lần.
Tại các "vùng vàng", "vùng cận xanh", "vùng xanh", thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 mẫu cho "vùng cận xanh", "vùng xanh" và gộp 5 mẫu cho "vùng vàng". Mẫu đại diện vòng 2 phải khác mẫu đại diện vòng 1 và nếu hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5-7 ngày/lần.
Nguyễn Thạnh