Theo đó, thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương và ý kiến của Sở Tư pháp về thời hạn cho thuê điểm kinh doanh tại chợ (sạp chợ) tối đa là 10 năm. Thống nhất phân cấp cho UBND quận - huyện xây dựng, ban hành giá dịch vụ sử dụng tiện ích bán hàng tại chợ truyền thống trên địa bàn. Song song đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính, UBND các quận - huyện rà soát, phân loại nguồn pháp lý đất, tham mưu loại chợ không phải tính tiền thuê đất chợ, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
UBND TP HCM vừa phân cấp cho UBND quận - huyện xây dựng, ban hành giá dịch vụ sử dụng tiện ích bán hàng tại chợ truyền thống
Trước đó, năm 2018, dựa theo Luật Giá mới ban hành, Sở Công Thương đã đề xuất TP HCM áp dụng mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Cụ thể, đối với chợ hạng 1, với người buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ mức thu không quá 200.000 đồng/m2/tháng; với người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ mức thu không quá 8.000 đồng/m2/ngày.
Đối với chợ hạng 2, mức phí thu áp dụng với người buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ không quá 140.000 đồng/m2/tháng. Với người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ áp dụng mức thu không quá 4.000 đồng/m2/ngày.
Đối với chợ hạng 3, mức phí áp dụng với người buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ thu không quá 100.000 đồng/m2/tháng. Với người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ mức thu được áp dụng không quá 2.000 đồng/m2/ngày.
Đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, có thể áp dụng mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cao hơn, tuy nhiên tối đa không quá 2 lần mức thu của chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.