Gần một tháng nay, qua vận động của tổ dân phố, chị Trần Thị Kim Quyên (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) cùng gia đình phân loại rác thành túi chứa rác hữu cơ và túi chứa rác có thể tái chế. Thế nhưng, khi công nhân vệ sinh đến thu gom, 2 rác này được đổ dồn vào thùng xe, chở đến bô rác.
Chỗ thắng, chỗ thua
"Nếu người thu gom đổ dồn vào một chỗ thì việc phân loại của gia đình tôi hóa ra công cốc, phân loại phải đồng bộ thì mới hiệu quả" - chị Quyên thắc mắc.
Theo ghi nhận, đa số người dân đều nắm được thông tin và ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) nhưng xem ra việc này chỉ hiệu quả khi triển khai tại các hệ thống siêu thị, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính, khu vui chơi giải trí lớn như Đầm Sen, Thảo Cầm Viên… Còn tại các hộ dân (nơi có lượng rác sinh hoạt chiếm hơn 60% lượng rác thải của TP), việc phân loại còn có tình trạng không nhất quán như trên và chỉ triển khai lác đác vài khu dân cư.
Tại quận Tân Phú, một trong những địa phương triển khai PLRTN từ những năm 2012 với mô hình "khu phố xanh" nhưng đến nay số hộ dân tham gia còn khá khiêm tốn. Đại diện quận Tân Phú cho biết: Mô hình "khu phố xanh" được phường Tân Thành phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP (Citenco) triển khai PLRTN với hơn 2.500 hộ dân tham gia. Dù hiệu quả nhưng đại diện quận này cho hay mô hình chỉ thực hiện một số khu vực do Citenco thu gom rác, còn lại những khu vực do tư nhân thu gom thì phải chờ TP triển khai đồng bộ. Hiện nay quận đang vận động, hướng dẫn đội ngũ thu gom rác chuyển đổi phương tiện cho phù hợp.
Tại huyện Hóc Môn, dù tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân nhưng đến nay việc PLRTN chỉ thí điểm tuyến đường Lê Thị Hà (thị trấn Hóc Môn) và hiệu quả rất hạn chế. Cuối tháng 10, chúng tôi ghé khu vực này và ghi nhận hầu hết người dân ủng hộ PLRTN, thế nhưng sau khi phân loại, người thu gom đổ dồn lên xe khiến người dân thất vọng. "Chúng tôi không tiếc công thực hiện nhưng phải triển khai đồng bộ từ hộ dân, người thu gom đến trạm trung chuyển thì mới phát huy hiệu quả. Thấy hiệu quả rõ ràng thì người dân sẽ làm thôi" - bà Lê Thị Thanh, hộ dân ở đây, nêu ý kiến.
Phương tiện chưa theo kịp
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, việc thu gom rác ở TP chủ yếu qua 2 hệ thống là Citenco, các công ty dịch vụ công ích (DVCI) quận - huyện và hệ thống rác dân lập. Qua hơn 1 năm triển khai chuyển đổi phương tiện cho phù hợp với PLRTN, đến nay chỉ có 100/1.700 phương tiện thu gom rác dân lập được chuyển đổi, 1.600 phương tiện còn lại là xe thô sơ, xe lôi, không phân ngăn nên khó thực hiện khi tiến hành PLRTN.
Lý giải việc trên, anh Nguyễn Văn Tuấn, thu gom rác dân lập ở quận Gò Vấp, nói biết là bất cập nhưng cũng đành chờ triển khai đồng bộ! Chính vì lẽ này, từ các hộ dân, theo chân người thu gom rác chúng tôi đến các trạm trung chuyển như trạm ép kín đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), Xí nghiệp Vận chuyển số 1 đường Quang Trung (quận Gò Vấp) đến các trạm vùng ven như Tây Bắc Lân, Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn)… ghi nhận cho thấy tình trạng "rác dồn về một đống", chưa được phân loại, dù không ít khu dân cư đã được triển khai PLRTN.
Là đơn vị quản lý 2 trạm trung chuyển rác lớn chiếm đến 40% lượng rác thải sinh hoạt của toàn TP (trạm Quang Trung và trạm Tống Văn Trân), ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường - Kiểm tra chất lượng của Citenco, thừa nhận hiện 2 trạm trung chuyển trên tiếp nhận từ 3.500 đến 4.000 tấn rác thải/ngày (chiếm 40% lượng rác thải sinh hoạt của TP) nhưng đơn vị chỉ chở đến các công trường xử lý mà chưa phân loại rác.
Việc phân loại rác ở TP HCM sẽ được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Ảnh: TẤN THẠNH
Thay đổi để sát thực tế
Triển khai thí điểm từ năm 2006, sau 13 năm thực hiện với nhiều nỗ lực nhưng đến nay việc PLRTN vẫn chưa mang lại hiệu quả và còn nhiều lúng túng. Để việc PLRTN đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có văn bản điều chỉnh cách thức phân loại, thu gom cho hợp lý.
Theo Chủ tịch UBND TP, do công nghệ xử lý rác thải của TP theo hướng công nghệ đốt rác phát điện và không yêu cầu phân loại chất thải đầu vào nên TP quyết định điều chỉnh phương pháp phân loại rác thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong đó, nhóm chất thải còn lại được thu gom hằng ngày và chuyển giao về các nhà máy xử lý của TP, nhóm có thể tái chế được thu gom vào thứ bảy hoặc chủ nhật tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương và được chuyển giao cho các nhà máy tái chế.
Ngoài ra, TP chấp thuận gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom đến năm 2025, trong đó giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành phải hoàn tất việc chuyển đổi, tập trung sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập. Giai đoạn 2020-2025, các huyện ngoại thành phải chuyển đổi phương tiện cho đồng bộ.
Ngoài phương tiện xe tải dùng để chuyển đổi, UBND TP yêu cầu Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ khâu thu gom, vận chuyển cho phù hợp tình hình thực tế. Riêng mỗi quận - huyện tùy đặc điểm địa hình mà đề xuất phương tiện thu gom cho phù hợp, không cứng nhắc mẫu xe nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật chung.
Xây dựng đề án "biến rác thành tài nguyên" Ông Cao Văn Tuấn cho biết Citenco đang trình TP đề án xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, qua đó sẽ tận dụng triệt để tất cả các loại rác và biến chúng thành tài nguyên. Với nhóm chất thải tái chế thu về sẽ được tái chế, nhóm chất thải còn lại tiếp tục mang đến các nhà máy xử lý như Đa Phước, khu xử lý Tây Bắc. |