Đến nay, TP.HCM có 205/237 chợ truyền thống và chợ đầu mối tạm đóng cửa để phòng, chống Covid-19. Trong số 32 chợ truyền thống đang hoạt động, có 8 chợ ở Quận 5, Quận 11, quận Bình Tân… vừa được mở cửa trở lại sau khi khử khuẩn và triển khai một số biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Riêng ngày hôm nay, chợ An Hội tại Quận Gò Vấp phải dừng hoạt động do có ca nhiễm tại chợ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc duy trì, đảm bảo nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống không bị đứt gãy, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các địa phương và đơn vị quản lý chợ khẩn trương tổ chức các hoạt động trở lại của chợ truyền thống trên cơ sở tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, kiểm soát số người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đi và đến.
Các chợ phải bố trí khu vực xếp hàng vào chợ, có kẻ vạch, phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, giữa các ngành hàng trong chợ theo hướng 1 chiều, từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ, điều tiết lượng khách mua hàng cùng một thời điểm.
Rà soát, bố trí các khu vực giãn cách, vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống khác trong chợ để tổ chức buôn bán phù hợp, bố trí vách ngăn, màng trong suốt giữa những tiểu thương, gian hàng, khách hàng. Các địa phương tổ chức phát thẻ đi chợ để phân chia tần suất đi chợ. Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ phải rà soát để có phương án điều tiết phù hợp, giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn.
Đối với các chợ đầu mối, các công ty quản lý chợ tổ chức điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM. Các đơn vị này tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, thực hiện 3 tại chỗ. Bố trí lực lượng kiểm tra người ra vào chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K./.