Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng quanh mức 1.726 USD/ounce, tăng hơn 4 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng tăng mạnh.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng bởi thông tin Bộ Lao động Mỹ công bố Chỉ số CPI, với mức tăng 0,4% trong tháng 2/2021, bằng với con số dự báo trước đó. Nhưng nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động thì lạm phát cơ bản chỉ tăng có 0,1% trong tháng 2, thấp hơn mức 0,2% dự báo trước đó. Điều này đã giúp vàng đi lên khi lạm phát chưa đạt được kỳ vọng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vào giữa tuần, thông tin gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD đã được Hạ viện và Tổng thống Mỹ Biden thông qua. Đã có lúc nhà đầu tư bán tháo vàng khiến kim loại quý rơi về mức gần 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên, nhưng phân tích của chuyên gia về những tác động của gói kích thích này đã khiến nhà đầu tư quay lại với vàng.
Cụ thể, một số chuyên gia cho rằng gói kích thích này sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục bứt phá mạnh sau đại dịch Covid-19. Đây là lý do khiến nhà đầu tư có lúc bán tháo vàng. Ngược lại, một số chuyên gia cho rằng: Gói kích thích 1.900 tỷ USD được đưa vào thị trường dấy lên lo ngại lạm phát gia tăng, dự báo sẽ gây ra “bong bóng” tài chính. Bởi vì trước đó, Fed đã phát hành trái phiếu kho bạc và nới lỏng định lượng không giới hạn để cứu nền kinh tế với số tiền lên đến 7.000 tỷ USD. Khi lượng tiền đẩy vào thị trường lớn sẽ khiến đồng USD giảm sâu. Dự báo “bong bóng” tài chính và đồng bạc xanh có thể giảm sâu đã khiến nhà đầu tư mua lại vàng.
Tuần qua đã có lúc giá vàng chìm sâu dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên chốt tuần, giá vàng thế tăng 23 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới, phiên cuối tuần vàng SJC trên thị trường tăng 100.000 đồng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji vàng SJC còn giảm 100.000 đồng/lượng so với đầu tuần.
Mặc dù sáng nay, giá vàng trong nước tăng so với chốt phiên hôm qua, nhưng so với giá mở cửa phiên hôm qua vàng SJC đã giảm mạnh có nơi đến 300.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới, SJC vẫn cao hơn trên 7 triệu đồng/lượng theo quy đổi tỷ giá tại ngân hàng và chưa tính thuế, phí. Với mức chênh lệch quá xa, chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư trong nước không nên mua vào, mặc dù xu hướng vàng có thể tăng trong tương lai.
Xăng dầu tiếp tục tăng giá
Tại kỳ điều chỉnh ngày 12/3, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 2.000 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 1.100 đồng/lít và dầu mazut là 600 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít; dầu diesel 600 đồng/lít.
Xăng dầu tiếp tục tăng giá.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được điều chỉnh theo hướng tăng giá như sau: Giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 691 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 797 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.722 đồng/lít và xăng RON 95 là 18.881 đồng/lít.
Như vậy, xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong nước có lần tăng thứ hai liên tiếp sau khi được giữ nguyên trước Tết Nguyên đán. Thời gian qua (kể từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 3.837 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.180 đồng/lít.
Giá xăng hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng một năm.
Ngoài ra, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng tương đối mạnh. Giá dầu diesel tăng 558 đồng/lít; dầu hỏa tăng 563 đồng/lít; dầu mazut tăng 642 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 14.401 đồng/lít; dầu hỏa là 13.173 đồng/lít và dầu mazut là 13.769 đồng/kg.
Giá rau củ đồng loạt tăng
Theo những tiểu thương bán rau, củ tại chợ dân sinh thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, giá rau đã bắt đầu tăng. Chị Đặng Thị Thu ở Quảng Bị, Chương Mỹ cho biết: “Rau chị nhập ở Chúc Sơn, Chương Mỹ; nhìn chung các loại rau đều tăng giá nhưng không quá mạnh, chỉ từ 2.000–3.000 đồng”.
Giá rau củ đồng loạt tăng.
Cũng theo chị Thu, nguyên nhân dẫn đến việc rau tăng giá là một số loại rau đã hết lứa. Đợt thu hoạch trước, do dịch bệnh khiến giá rau rẻ, người nông dân chưa trồng thêm nhiều các loại nông sản, lượng cung thấp hơn cầu nên giá rau, củ có tăng nhưng không nhiều.
Các loại rau chuẩn bị hết lứa như bắp cải, súp lơ tăng giá nhỉnh hơn một chút, trước khoảng 5.000-7.000 đồng/cây thì bây giờ khoảng 7.000-10.000 đồng/cây. Những loại rau lá như rau cải, ngọn su su thì tăng đều, trước chỉ từ 5.000-6.000 đồng/bó thì bây giờ 7.000-8.000 đồng/bó. Rau dền, mồng tơi trước 4.000 đồng/mớ thì giờ vào khoảng 5.000 đồng/mớ. Các loại củ như su hào, cà rốt cũng tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg.
Thường xuyên đi chợ, chị Vũ Quỳnh Anh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) chia sẻ: “Giá rau có tăng nhưng nhìn chung vẫn ở mức hợp lý. Tôi có hỏi thăm người bán thì họ bảo do thời tiết và việc học sinh đi học trở lại, các bếp ăn tập thể bắt đầu hoạt động nên nhu cầu rau xanh tăng lên. Tuy nhiên, tôi thấy giá cả giữ ở mức như vậy là ổn”.
Nhập rau ở Mê Linh về bán, chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Giá rau hôm nay chỉ nhích lên một chút. Đặc biệt là một số loại rau ăn sống như hành, mùi, rau thơm tăng, có lẽ là do mưa nên rau không lên được. Trước khoảng 7.000-8.000 đồng/kg thì bây giờ là 10.000 đồng/kg. Bí xanh, khoai tây tăng từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng/kg”.
Giá rau ở Hà Nội tăng nhẹ so với trước đó khiến các tiểu thương cũng phấn khởi hơn. Đối với chị Hiền, khi người ta bán nông sản giải cứu với giá rẻ thì những người bán hàng ở vùng khác đến như chị cũng phải giảm theo, bởi “Không cách ly nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Người ta bán rẻ mà mình không bán rẻ thì không bán được cho ai, thậm chí còn phải đổ bỏ đi”.
Vụ rau đông xuân, người dân đã thu hoạch gần hết, sản lượng rau đưa ra thị trường giảm nhưng sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể trong các trường học đã hoạt động trở lại. Điều này đã có những tác động nhất định đến thị trường rau xanh.
Trứng gà rớt giá thê thảm
Từ sau Tết Nguyên đán 2021, chị Trần Thu Hằng ở Ba Vì, Hà Nội liên tục rao bán trứng gà quê vớ giá cực rẻ, chỉ khoảng 2.000 đồng/quả, tức 20.000 đồng/10 quả.
Chị Hằng cho hay, gần chục năm nuôi gà lấy trứng bán, chưa bao giờ gia đình chị bán trứng gà với mức giá rẻ như vậy. Thế nhưng, vì trang trại nhà chị nuôi nhiều, lên đến cả vạn con nên dù giá rẻ vẫn phải bán. “8 năm chăn nuôi gà lấy trứng, thật sự chưa bao giờ gia đình tôi rơi vào cảnh này. Cả nhà tôi đứng ngồi không yên, đã tính đến phương án bán phá đàn, bán tháo nếu thời gian tới giá vẫn rẻ vậy”, chị Hằng nói.
Trứng gà rớt giá thê thảm.
Cụ thể, giá trứng chị bán buôn cho các tiểu thương tại trang trại khoảng 1.100 đồng/quả, còn bán lẻ tại các chợ cóc hoặc rao bán trên mạng giá 2.000 đồng/quả. Tính ra, 10 quả trứng gà giờ đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 20.000 đồng/chục.
Chị Hằng bày tỏ sự chán nản vì giá trứng gà giảm tới đáy kéo theo giá trứng chim cút, giá trứng vịt, trứng vịt lộn cũng giảm. Tuy nhiên, mức giảm của trứng vịt không sâu như trứng gà.
“Hiện giá trứng vịt bán xô cho các tiểu thương cũng chỉ 15.000 đồng/chục, bán lẻ ngoài chợ hay trên chợ mạng là 30.000 đồng/chục. Mức giá này giảm khoảng 5.000-7.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán”, tiểu thương này chia sẻ.
Chị Hằng nhận xét, chưa bao giờ giá trứng lại giảm mạnh và kéo dài tới cả vài tháng như vậy. Những năm trước, vẫn có hiện tượng giá trứng gà tăng giảm thất thường, nhưng cũng chỉ xuống trong một thời gian ngắn khoảng 2-3 tuần tới 1 tháng là giá sẽ tăng trở lại. Năm nay, suốt từ đầu năm, những người nuôi gà đẻ luôn đau đầu vì giá trứng gà giảm kỷ lục mà chưa biết bao giờ tình trạng này mới ngừng.
Nguyên nhân khiến giá trứng giảm thê thảm, rẻ hơn rau được chị lý giải là bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung trứng vịt, trứng gà tại nhiều địa phương lại dồi dào do nhiều hộ gia đình chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gà vịt lấy trứng.
Bên cạnh đó, lượng trứng gà, trứng vịt tại nhiều địa phương chủ yếu tiêu thụ ở trong địa phương đó chứ chưa chế biến và xuất đi nơi khác được nhiều. Vì thế, điều này ảnh hưởng nhiều đến giá cả đầu ra.
Giá thanh long tăng mạnh
Hiện thương lái thu mua tại các nhà vườn ở Long An với giá thanh long ruột trắng từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại I từ 28.000 - 32.000 đồng/kg, các loại khác dao động trung bình khoảng 25.000đ/kg, cao hơn 5 lần so với trước Tết.
Giá thanh long tăng mạnh.
Theo nông dân tại Long An, tuy giá tăng mạnh nhưng do trước tết là cao điểm mùa vụ nên các nhà vườn đã bán gần hết. Hiện sản lượng thanh long đến kỳ thu hoạch của tỉnh không còn nhiều. Ông Lê Ngọc Sinh, một nhà vườn tại Châu Thành, Long An cho biết, trung bình 10 hộ thì chỉ có 1 đến 2 hộ có thanh long để bán vào thời điểm này. Bà con nông dân đang tăng cường xông đèn để tăng sản lượng.
“Từ sau Tết đến giờ, thanh long lên giá, bà con rất mừng. Một kg lời được mười mấy ngàn. Nhưng không biết giá này kéo dài được bao lâu, vì từ ngày giá lên bà con đổ đi xông đèn, trong những ngày tới sản lượng chắc chắc sẽ rất nhiều”, ông Lê Ngọc Sinh nói.